Chớ lợi dụng lòng yêu nước

03:05, 28/05/2014

Gần tháng nay, trên rất nhiều trang mạng, blog… đã phát tán hàng loạt bài viết bàn luận về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số tác giả tự xưng danh người Việt Nam yêu nước đã la ó, kêu thán; nêu ý kiến bình luận rất chủ quan, tùy tiện rồi xuyên tạc đối sách của Đảng và Nhà nước ta về biển Đông và đối với Trung Quốc…

Gần tháng nay, trên rất nhiều trang mạng, blog… đã phát tán hàng loạt bài viết bàn luận về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số tác giả tự xưng danh người Việt Nam yêu nước đã la ó, kêu thán; nêu ý kiến bình luận rất chủ quan, tùy tiện rồi xuyên tạc đối sách của Đảng và Nhà nước ta về biển Đông và đối với Trung Quốc… Những luận điệu ấy đều “núp” dưới danh nghĩa lòng yêu nước…
 
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải trên đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Đạm
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải trên đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Đạm
 
Đó có phải là yêu nước?
 
Mỗi ngày, hễ cứ nhấp “chuột” vào các trang mạng, blog… có hàng chục bài bình luận, trả lời PV các đài nước ngoài, (cả vè) tập trung nói về vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tác giả của các bài viết, phần lớn rất xa lạ đối với “làng” báo chí truyền thông, hoặc giới nghiên cứu, học thuật của nước ta trước nay. Hầu hết số tác giả này đều giống nhau ở chỗ đều xưng danh người Việt Nam yêu nước tỏ thái độ bất bình, căm phẫn trước hành động ngang ngược của Trung Quốc đang gia tăng sức ép trên vùng biển Hoàng Sa; đồng thời bất bình, phản đối chính quyền, lực lượng chức năng của nước ta không cho họ “tự do biểu tình”, tự do gây rối, bạo loạn…
 
Một số tác giả lớn tiếng lên án lực lượng chức năng đã ngăn cản các cuộc biểu tình tự phát ở một số địa phương và cho rằng lực lượng này là "công cụ mù quáng cho chính quyền" và luôn đối kháng với nhân dân. Tác giả Ngô Minh vu cáo “nhiều trí thức, sinh viên, học sinh biểu tình chống Trung Quốc trong những năm 2011, 2012… đã bị đàn áp như kẻ thù” (?). Nhân việc một phụ nữ tự thiêu trước cổng Dinh Thống Nhất (TP. HCM ngày 23/5/2014), tác giả Thụy My đã xuyên tạc: “hy vọng có thể cảnh tỉnh chế độ trước nạn ngoại xâm cũng như nội xâm”. Cũng từ vụ việc này, tác giả Hoàng Xuân đòi Việt Nam phải sớm có Luật Biểu tình để nhân dân tự do biểu tình mà không bị ngăn cản. Tác giả này đã cố ý “nhầm lẫn” cho rằng: "Công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp". Như thế biểu tình cũng có nghĩa là bình đẳng như hội họp (?)… 
 
Điều dễ nhận diện qua các bài viết “hô hào” kiểu này đó là các tác giả cho mình có trách nhiệm lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam; Kêu gọi “Việt Nam trỗi dậy” (Hà Thủy Nguyên). Về sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển nước ta, Hà Thủy Nguyên đã thổi phồng, cường điệu rằng: “Tiếng súng ngoài biển khơi của Trung Quốc không chỉ bắn vào tàu Việt Nam mà đã bắn vào chính đất nước ta… Đau thương, nhưng cần thiết để làm tỉnh cơn mê ngủ suốt nhiều chục năm! Đây là lúc Việt Nam phải trỗi dậy…”. Dù chỉ một người Việt Nam trẻ tuổi (tự bạch) và không biết đang giữ chức vụ gì? Ở đâu? Đại diện cho ai? Nhưng tác giả này đã tùy tiện ra “Lời kêu gọi Việt Nam trỗi dậy” (!). Bên cạnh vu khống, xuyên tạc rằng: vận khí nước ta suy đồi, xã hội hỗn loạn, đạo đức sụt giảm, tác giả này đã lếu láo kêu gọi tất cả (từ Chính phủ Việt Nam đến các giáo đoàn tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng; các trí thức, học giả; tầng lớp văn nghệ sĩ, các khoa học gia, các kỹ sư, những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ; các thương gia và doanh nghiệp; thế hệ trẻ, thậm chí những người thuộc phe đối lập…”đều phải trỗi dậy!
 
 Giọng điệu của các tác giả chì chiết, xỏ xiên mối quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc, cho rằng Chính phủ Việt Nam sợ sệt, lệ thuộc, “ngủ mê”, “ăn theo” Trung Quốc… Tự vỗ ngực cho mình là người yêu nước và lạm dụng danh từ “nhân dân” để lớn tiếng phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ, chê bai sự lãnh đạo của Đảng, đối sách linh hoạt, mềm dẻo của Nhà nước ta đối với vấn đề biển Đông và sự tranh chấp của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta hiện nay. Đáng quan tâm hơn là giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng” thay vì chung sức, chung lòng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cả nước đấu tranh một cách bình tĩnh, khôn khéo bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trước nay bất đồng chính kiến, thâm thù chế độ có dịp lên tiếng. Họ ra rả chỉ trích, nói xấu, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta; bênh vực, ủng hộ, cổ súy, thậm chí tiếp tay cho các cuộc biểu tình đập phá, đốt nhà xưởng, xô xát đánh người gây rối an ninh trật tự nhằm tạo cớ để kẻ thù lợi dụng xuyên tạc chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với Trung Quốc và vấn đề biển Đông. Suy nghĩ và hành vi như vậy có phải là yêu nước? Những con người như thế có đúng là người Việt Nam yêu nước không?...
 
Yêu nước như thế nào cho đúng?
 
Việt Nam là một đất nước văn minh, tươi đẹp; dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân ái, vị tha và nồng nàn yêu nước. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam là tài sản thiêng liêng được kết tinh qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên và truyền lại cho ngàn đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấm chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
 
Liên tiếp trong những ngày qua, trước sự ngang ngược xâm lấn vùng biển, vùng trời của Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn của nhân dân Việt Nam trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. “Làn sóng” của lòng yêu nước, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc đã trỗi dậy trong tâm can mỗi người dân Việt Nam. Điều ấy rất đáng tự hào và đáng trân trọng. Song, biểu hiện của lòng yêu nước ấy như thế nào để tránh thói ích kỷ cá nhân, mù quáng, nông nổi dễ tạo cớ cho các thế lực phản động, thù địch lợi dụng xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, vô tình bôi đen hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè và cộng đồng thế giới. Chúng ta biết rằng, thế giới hiện nay đã đổi khác; việc Việt Nam hội nhập và ngày càng hội nhập sâu rộng với tất cả các nước trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có vị thế trên trường quốc tế. Việc xung đột, tranh chấp giữa quốc gia này với quốc gia khác đã không còn là chuyện của hai nước đang diễn ra mâu thuẫn, tranh chấp mà là vấn đề chung của nhiều quốc gia, của cả thế giới.
 
Tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực có biển không phải bây giờ mới xảy ra? (Do đặc điểm về lịch sử, thể chế chính trị và mối quan hệ bang giao), nên tranh chấp của Trung Quốc với Việt Nam trên biển Đông là vấn đề hết sức nhạy cảm. Mặt khác, trước một “hàng xóm” ngang tàng ỷ vào sức mạnh, quân đông lại rất thâm hiểm thì việc “ứng xử” của chúng ta như thế nào cho phù hợp là việc làm cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
 
Giữa lúc vận nước “gian nan”, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta tích cực bằng mọi cách, tìm mọi phương pháp đấu tranh cương quyết nhưng mềm dẻo với Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế và những cam kết của Trung Quốc với ASEAN về ứng xử trên biển Đông, thì các thế lực thù địch, những cá nhân tự xưng người Việt Nam yêu nước ra sức phá hoại. Một mặt, họ lợi dụng tình thế để “hùn gió bẻ măng”, lên án, chê bai, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước ta nhu nhược, sợ sệt không dám đương đầu Trung Quốc… nhằm làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền; một mặt họ hô hào, tiếp tay, cổ vũ, kích động biểu tình gây thêm phức tạp tình hình an ninh, chính trị trong nước. Họ mặc nhiên biện minh đó là hành động yêu nước của những con người yêu nước và cố tình không chịu hiểu đó là những việc làm hết sức nguy hại, tiếp tay cho những âm mưu kêu gào yêu nước bằng máu xương của người khác!
 
Chúng ta nên hiểu rằng, lòng yêu nước Việt Nam phải được thể hiện trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trước thử thách, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trong từng bước đi, cân nhắc từng hành động cụ thể. Yêu nước nghĩa là mỗi người cần có trách nhiệm hơn trong suy nghĩ và hành động; phải cân nhắc lợi - hại, đúng - sai; lòng yêu nước chân chính không đồng hành với sự mù quáng, trước những vấn đề nhạy cảm và phức tạp liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ quốc gia…
 
Nhà văn Chu Lai nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã quá thấu hiểu cái giá vô cùng đắt phải trả cho một cuộc chiến nhưng không phải vì cái đắt đó mà cúi đầu cho kẻ khác làm nhục”. Dù bất cứ giá nào, bất cứ tình huống nào, dân tộc Việt Nam cũng nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. 
 
“Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” (Sông núi nước Nam, vua Nam ở) - Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực, ra sức đấu tranh vì sự hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi người dân Việt Nam bình tĩnh tin tưởng vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta; cương quyết không nghe theo và phải có thái độ phê phán, vạch trần bản chất xảo ngôn “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, dối trá, ngụy biện và nguy hiểm của những kẻ xưng danh yêu nước kia…
 
CHÍNH TÂM