Cần coi trọng đạo đức nhà giáo

08:11, 19/11/2015

Đạo đức nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những phẩm chất cơ bản: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà giáo trong nghề nghiệp và đời sống.

Đạo đức nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những phẩm chất cơ bản: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà giáo trong nghề nghiệp và đời sống.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo rất sâu sắc. Người nói: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4). Người thầy dạy học trò về những điều tốt đẹp và có ý thức gương mẫu trong việc thực hiện những điều tốt đẹp đó, nghĩa là người thầy đang xây dựng và không ngừng hoàn thiện đạo đức cho mình. Hồ Chí Minh là hiện thân của một nhà giáo cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục nước nhà và là một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ nhà giáo Việt Nam noi theo. 
 
Để nâng cao hơn nữa đạo đức nhà giáo, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, năm 2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó, Điều 4 đã xác định đạo đức nghề giáo bao gồm: (1). Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. (2). Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành. (3). Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. (4). Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
 
Liên hệ lời Bác dạy và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo, chúng ta rất vui mừng và tự hào vì trong những năm qua, các nhà giáo đã tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo với công việc, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, gian khổ, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, hết lòng vì học sinh thân yêu. Có những giáo viên đã vì lợi ích chung mà sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, chia sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình để giúp học sinh nghèo, học giỏi… Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn đó đã làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của nhà giáo Việt Nam. 
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, cùng với đời sống còn nhiều khó khăn, nên một số giáo viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống nhà giáo, chưa thực sự gương mẫu, xói mòn lương tâm nghề nghiệp. Thậm chí có những giáo viên bị cuốn theo lối sống thực dụng, vì lợi ích cá nhân không quan tâm đến chất lượng giảng dạy trên lớp mà chỉ lo đến việc dạy thêm, học thêm không vì lợi ích học sinh… Đúng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã đánh giá: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Đó là những điều trái với đạo lý, truyền thống nhà giáo Việt Nam, trái với đạo đức, thiên chức và danh vị cao quý của nghề dạy học; làm suy giảm hình ảnh đẹp, sự tôn kính của học sinh, lòng tin của xã hội đối với nhà giáo; ảnh hưởng đến danh dự nhà giáo và uy tín của ngành giáo dục hiện nay. 
 
Để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới, khắc phục những mặt chưa tốt, thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý, thiết nghĩ những nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
 
Trước hết, cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nghề dạy học trong xã hội và sự cần thiết phải giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo trong tình hình hiện nay; quán triệt sâu sắc Quy định về đạo đức nhà giáo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và biến những quy định đó thành chuẩn mực đạo đức phấn đấu, thành tiêu chuẩn để đánh giá giáo viên. 
 
Thứ hai, khơi dậy lương tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết trong mỗi nhà giáo để mỗi người đều có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cũng như sự phát triển của đất nước. Từ đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có lối sống và ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
 
Thứ ba, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị cho đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực toàn diện, có kiến thức chuyên môn sâu; kỹ năng, phương pháp sư phạm tốt, khả năng tư duy khoa học sáng tạo, biết gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn, nhà trường với xã hội; có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, sâu sát, tận tình với học trò… Từ đó, tạo nên giá trị chân chính của nhà giáo hiện nay.       
 
Thứ tư, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tạo điều kiện để các nhà giáo khẳng định mình trong thực tiễn. Môi trường sư phạm tốt là nơi tạo ra tình cảm thân thiết, khơi dậy khả năng lao động sáng tạo của thầy và trò, làm cho các nhà giáo thêm yêu quý, gắn bó, tâm huyết với nghề, với học sinh. Môi trường sư phạm ngoài yêu cầu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học, không gian xanh, sạch, đẹp; còn cần phải duy trì nghiêm các quy chế, quy định trong giảng dạy, học tập, lối sống có kỷ cương, văn hóa, tăng cường đoàn kết, thống nhất, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người dạy và người học, không để cho các tệ nạn, tiêu cực thâm nhập vào nhà trường; tích cực tham gia các hoạt động xã hội…    
 
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng trong các nhà trường; thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo gắn với phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
 
Để xứng đáng “những người thầy giáo tốt là những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh” như Bác Hồ đã nói, bản thân mỗi nhà giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, tác phong, nâng cao năng lực chuyên môn - nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của mình; toàn xã hội cần dành sự quan tâm, ủng hộ, sự đồng thuận đối với ngành giáo dục và đào tạo; chăm lo đến đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà giáo làm việc và cống hiến, góp phần thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI.    
       
BAN BIÊN TẬP