Quyền làm chủ của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

08:05, 23/05/2016

Theo cách hiểu thông thường, dân chủ là hình thức thiết chế của một chế độ chính trị - xã hội lấy dân làm gốc về mặt quyền lực và lợi ích, dựa trên nguyên tắc bình đẳng - bác ái.

Theo cách hiểu thông thường, dân chủ là hình thức thiết chế của một chế độ chính trị - xã hội lấy dân làm gốc về mặt quyền lực và lợi ích, dựa trên nguyên tắc bình đẳng - bác ái. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ nói chung và quyền làm chủ của nhân dân nói riêng là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử, là kết quả của sự kết hợp giữa tư tưởng thân dân truyền thống ở phương Đông và quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng trong học thuyết Mác - Lênin. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý luận và thực tiễn - Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng dân chủ lên một tầm cao mới vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.
 
Theo Hồ Chí Minh, quyền làm chủ của nhân dân thể hiện trên ba phương diện:
 
Thứ nhất: Nhân dân làm chủ những gì?
 
Thứ hai: Tại sao nhân dân có quyền làm chủ?
 
Thứ ba: Làm thế nào để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân?
 
Ở phương diện thứ nhất - quyền làm chủ của nhân dân lao động - Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
 
Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân là người giữ vai trò quyết định trên tất cả các lĩnh vực: Từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, từ những chuyện nhỏ có liên quan đến lợi ích của mỗi cá nhân đến những chuyện lớn như lựa chọn thể chế, lựa chọn người đứng đầu Nhà nước. Người dân có quyền làm chủ bản thân, nghĩa là có quyền được bảo vệ thân thể, được tự do đi lại, tự do hành nghề, tự do ngôn luận, tự do học tập trong khuôn khổ luật pháp. Người dân có quyền làm chủ các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội thông qua bầu cử và bãi miễn cũng như làm chủ tập thể, làm chủ nơi mình sống và làm việc. Đúng như Hồ Chí Minh nói: “Mọi quyền hạn đều của dân”. Cán bộ từ Trung ương đến cán bộ ở các cấp, các ngành đều là “đầy tớ” của dân, do dân cử ra và do dân bãi miễn.
 
Về phương diện thứ hai, Người giải thích: dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước, một quyền hạn thật to lớn.
 
Nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú nhất. Lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do nhân dân. Nhân dân là người xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Nguyễn Trãi đã có lời khuyên: Đến khi lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước. Đúng là dân như nước, cán bộ như cá. Cá không thể sinh tồn và phát triển được nếu như không có nước. Nhân dân là lực lượng biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Vì thế, nếu không có dân sự tồn tại của Đảng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với Chính phủ và các tổ chức quần chúng cũng vậy.
 
Nói gọn lại, nhân dân là lực lượng xây dựng đất nước, là lực lượng hợp thành, nuôi dưỡng, bảo vệ các tổ chức chính trị, do vậy nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ chế độ, làm chủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Làm thế nào để nhân dân thực hiện được quyền làm chủ của mình? Phương diện thứ ba này được Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Theo Người, từ xưa đến nay, nhân dân bao giờ cũng là lực lượng chính trong tất cả các xã hội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng trước Cách mạng Tháng Mười Nga, trước học thuyết Mác - Lênin chưa có cuộc cách mạng nào giải phóng triệt để cho nhân dân, chưa có học thuyết nào đánh giá đúng đắn về nhân dân.
 
Theo Hồ Chí Minh, người dân chỉ thực sự trở thành người làm chủ khi họ được giáo dục, khi họ nhận thức được rõ ràng đâu là quyền lợi họ được hưởng, đâu là nghĩa vụ họ phải thực hiện. Để thực hiện được điều này, một mặt, bản thân người dân phải có ý chí vươn lên, mặt khác, các tổ chức đoàn thể phải giúp đỡ họ, động viên khuyến khích họ. Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và nếu nhân dân không được giáo dục để thoát khỏi nạn dốt thì mãi mãi họ không thể thực hiện được vai trò làm chủ.
 
Thật vậy, người dân chỉ có thể thực hiện quyền làm chủ khi có một cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của họ. Đảng phải lãnh đạo xây dựng được một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; với hệ thống luật pháp, lấy việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
 
Kiều Minh