Một số điểm mới trong Quy định thi hành Điều lệ Đảng

11:08, 26/08/2016

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Điều lệ Đảng, ngày 25 tháng 7 năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng...

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Điều lệ Đảng, ngày 25 tháng 7 năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng. Quy định thi hành Điều lệ Đảng lần này kế thừa những nội dung cơ bản của Quy định số 45-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI); bố cục, kết cấu của Quy định mới được sắp xếp gọn và khoa học hơn, theo thứ tự chương, điều trong Điều lệ Đảng để bảo đảm tính hệ thống và thuận tiện việc theo dõi, thực hiện. Nội dung Quy định 29-QĐ/TW có 35 điểm (giảm 26 điểm so với Quy định số 45-QĐ/TW) được xây dựng trên nguyên tắc: một là, giữ nguyên những nội dung còn phù hợp trong Quy định thi hành Điều lệ Đảng của Bộ Chính trị khóa XI; hai là, bổ sung một số nội dung đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp và thấy cần thiết đưa vào Quy định để thực hiện, đồng thời chuyển một số nội dung sang những quy định khác mang tính chuyên biệt hơn và tính khả thi cao hơn. Quy định số 29-QĐ/TW có một số điểm mới cơ bản sau:
 
-Về tuổi đời của người vào Đảng: “Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng)”. Quy định trước đây không khống chế độ tuổi tối đa mà chỉ quy định từ đủ 18 tuổi là tổ chức Đảng xem xét, kết nạp. Tuy nhiên, việc kết nạp vào Đảng đối với những người trên 60 tuổi vẫn phải do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xem xét, quyết định.
 
-Về quyền của Đảng viên: bổ sung thêm quyền của đảng viên được thông báo ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi làm việc và nơi cư trú khi giới thiệu ứng cử và được trình bày ý kiến  với tổ chức Đảng khi xem xét, quyết định công tác.
 
-Về đối tượng không xem xét kết nạp lại vào Đảng: bổ sung đối tượng “bị kết án vì tội tham nhũng” sẽ không xem xét kết nạp lại và bỏ đối tượng “vi phạm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Bộ Chính trị”.
 
-Về thời điểm công nhận đảng viên chính thức: Quy định cụ thể “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày đảng viên hết 12 tháng dự bị, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho đảng viên”.
 
-Về chuyển sinh hoạt đảng chính thức: Khi đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực  phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng nhiều đảng viên khi đã có quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn sinh hoạt đảng tại cơ quan, đơn vị, không chịu chuyển sinh hoạt về địa phương. Đồng thời bổ sung trường hợp đảng viên đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc đang xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì chưa chuyển sinh hoạt đảng chính thức.
 
-Chuyển sinh hoạt đảng khi tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, bị giải thể: quy định cụ thể sau khi cấp ủy có thẩm quyền quyết định kỷ luật giải tán hoặc giải thể một chi bộ, đảng bộ thì trong thời hạn 30 ngày làm việc, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó thu hồi hồ sơ, con dấu và làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên.
 
-Về xóa tên đảng viên: bổ sung trường hợp “đảng viên không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị” thì chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên. Đảng viên bị xóa tên có quyền khiếu nại với cấp ủy cấp trên cho đến Ban Bí thư (quy định trước đây là có quyền khiếu nại đến Ban chấp hành Trung ương).
 
-Về hệ thống tổ chức của Đảng: quy định rõ ràng “Hệ thống tổ chức của Đảng được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn; cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp Trung ương. Đây là hệ thống tổ chức cơ bản của Đảng, có chức năng lãnh đạo toàn diện ở mỗi cấp và của toàn Đảng”.
 
-Về nhiệm vụ của Ban kiểm phiếu trong đại hội Đảng: Thông thường khi hoàn thành xong việc kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu thì Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử; quy định mới bổ sung ban kiểm phiếu phải báo cáo với đoàn chủ tịch đại hội trước khi công bố kết quả bầu cử.
 
-Điểm mới trong quy định lần này: Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khóa mới do đồng chí Tổng Bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc, chủ trì cho đến khi bầu xong Đoàn chủ tịch Hội nghị.  
 
-Về báo cáo kết quả đại hội: Quy định 29-QĐ/TW yêu cầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày bế mạc đại hội, cấp ủy khóa mới phải báo cáo lên cấp ủy cấp trên trực tiếp kết quả và biên bản bầu cử trong đại hội và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả bầu cử của cấp ủy cấp dưới, nếu không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y kết quả bầu cử theo quy định.
 
-So với Quy định 45-QĐ/TW (khóa XI) thì Quy định 29-QĐ/TW không hướng dẫn thi hành một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát của đảng; giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên; thi hành kỷ luật của đảng; giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng; đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên; đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng. Bên cạnh đó, với nội dung Đảng giới thiệu cán bộ để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, quy định mới bổ sung thẩm quyền của Ban chấp hành Trung ương tham gia ý kiến về nhân sự Tổng thư ký Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước để Quốc hội bầu. Đồng thời, quy định bổ sung “Đảng đoàn Quốc hội lập tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội (hoạt động tại các kỳ họp của Quốc hội)”.
 
Hi vọng rằng, với những quy định cụ thể, rõ ràng như vậy, Quy định số 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng sẽ là cẩm nang cơ bản để các tổ chức Đảng, đảng viên trong toàn tỉnh căn cứ triển khai thực hiện; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới.
 
Trần Trung Hiếu