Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục nước nhà

08:09, 05/09/2016

Kế thừa truyền thống hiếu học, "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta, lại bôn ba khắp thế giới, thấy nhiều, học hỏi được nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu của các nước tiên tiến, Hồ Chí Minh đã chắt chiu, chọn lọc tinh hoa của nhân loại, vận dụng sáng tạo, từng bước xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. 

Kế thừa truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, lại bôn ba khắp thế giới, thấy nhiều, học hỏi được nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu của các nước tiên tiến, Hồ Chí Minh đã chắt chiu, chọn lọc tinh hoa của nhân loại, vận dụng sáng tạo, từng bước xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Sự cống hiến của Người về giáo dục cả mặt lý luận và chỉ đạo thực tiễn là vô giá, đem lại thành tựu to lớn cho nền giáo dục nước nhà. 
 
Làm quen với lớp (học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phan Như Thạch). Ảnh: VĂN BÁU
Làm quen với lớp (học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phan Như Thạch). Ảnh: VĂN BÁU

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cùng với việc thiết lập nền dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, Người đã chủ trì phiên họp của Chính phủ và đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách; trong đó có nhiệm vụ: “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”; bởi theo Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà nước ta lại có hơn 90% mù chữ, vì vậy phải chống giặc dốt. Từ đó, Người đã phát động phong trào “Bình dân học vụ”, kêu gọi toàn dân chống nạn thất học: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí”. Người chỉ rõ: “ Mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Muốn vậy, “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ (…). Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Đặc biệt Người nhấn mạnh: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm”. 
 
Một trong những hình thức thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Bác đối với công tác giáo dục là thường xuyên viết thư và trực tiếp thăm hỏi, trò chuyện với các cháu học sinh và các thầy cô giáo ở nhiều trường học. Đây là cách thức quan tâm hết sức đặc biệt vừa thể hiện sự thân tình, gần gũi đối với ngành giáo dục, vừa là hình thức lãnh đạo không mang tính hành chính, mệnh lệnh mà chỉ là những lời căn dặn, nhắc nhở của vị lãnh tụ Đảng và Nhà nước. Điều này được minh chứng một cách cụ thể, sinh động trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Bác. 
 
Ngay trong ngày khai giảng năm học đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, Bác đã viết thư bộc lộ niềm vui sướng, hân hoan trước cảnh tượng học sinh Việt Nam lần đầu tiên được cắp sách đến trường ở một đất nước tự do, độc lập: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa từ giờ phút này trở đi, các em được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Đồng thời, Bác kịp thời thăm hỏi, động viên, căn dặn thầy, cô giáo và học sinh trong cả nước với tình cảm yêu thương, ân tình, thắm thiết: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
 
Đến thăm và nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Đại học nhân dân Việt Nam (19/1/1955), Bác đã nêu lên những ý kiến quý báu: “Trước hết chúng ta phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?”. Từ đó Người xác định: “Phải biết quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”. Bác căn dặn: “Thanh niên học sinh phải chuyên tâm học hành và công tác”; đồng thời, “chống thói xem khinh lao động (…). Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”.
 
Không chỉ gửi thư cho các cô giáo, thầy giáo và học sinh toàn ngành vào dịp khai giảng năm học mới, mà Bác còn về thăm và trò chuyện với các trường học, hoặc viết thư chúc mừng, động viên nhà trường nhân các sự kiện quan trọng; chẳng hạn như:
 
Ngày 31/12/1958, nói chuyện với học sinh và giáo viên Trường phổ thông cấp III Chu Văn An (Hà Nội), Bác thân mật và ân cần chỉ rõ: “Trường học của chúng ta là trường học XHCN (…). Nhà trường XHCN là nhà trường: Học đi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm”. Cuối cùng Bác nhắc nhở: “Các cháu phải xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam hòa bình - thống nhất - độc lập - dân chủ và giàu mạnh”.
 
Nhân dịp Trường cấp 3 Đức Thọ, Hà Tĩnh được mang tên Trần Phú, Bác đã gửi Điện chúc mừng và căn dặn “các cô giáo, thầy giáo thi đua dạy thật tốt, các cháu học sinh thi đua học thật tốt, làm gương mẫu cho các trường khác”.
 
Trong bức thư cuối cùng của Người gửi cho ngành Giáo dục (15/10/1968), sau những lời chúc mừng, thăm hỏi, Bác đã dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt (…), phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn”. Và một lần nữa Bác khẳng định: “Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Đồng thời, yêu cầu các ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền “phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.
 
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác còn nhắc nhở: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. 
 
Sở dĩ Bác Hồ đặc biệt quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục, bởi theo quan điểm của Người, giáo dục là yếu tố quyết định nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học - kỹ thuật - chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ tổ chức quản lý... Giáo dục sẽ giúp cho mỗi người dân có đủ kiến thức và năng lực để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc và “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”; ngược lại nếu không phát triển giáo dục thì sẽ không làm được điều đó. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu đó, đòi hỏi nội dung giáo dục phải toàn diện (bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các lĩnh vực an ninh, quốc phòng); phải thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của người học; phù hợp với tính chất của trường học dưới chế độ mới, phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới… 
 
Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Bác, Đảng ta đã xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước đã tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho GD&ĐT phát triển. Soi lại những điều Bác dạy và những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mấy chục năm qua sự nghiệp giáo dục của nước ta đã đạt nhiều thành tựu rất đỗi tự hào, có sự đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, thì sự nghiệp GD&ĐT còn nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân chủ quan là chưa thực hiện đầy đủ những điều chỉ dẫn của Bác. 
 
Hiện nay, toàn ngành GD&ĐT đang tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Hơn bao giờ hết, cả xã hội nói chung và ngành Giáo dục nói riêng phải tìm hiểu kỹ lưỡng, thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng, triết lý giáo dục của Bác Hồ để vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đất nước, trong xu thế toàn cầu hóa; phấn đấu đưa giáo dục Việt Nam tiến kịp trình độ khu vực và thế giới, làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
 
LINH NHÂN