Phát huy tư tưởng chủ động, sáng tạo, tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám trong thời kỳ mới

08:09, 02/09/2016

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất và đầy sáng tạo của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất và đầy sáng tạo của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
 
Tranh cổ động: NGUYỄN HOÀNG KHAI
Tranh cổ động: NGUYỄN HOÀNG KHAI
Trải qua muôn vàn thử thách trong máu lửa đấu tranh, với các cao trào cách mạng như Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, cao trào dân chủ năm 1936 - 1939 và cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), Đảng và nhân dân ta có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá trong đấu tranh cách mạng.
 
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp kết thúc, Đảng ta nhận định thời cơ cách mạng đã đến và đi đến quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khắp cả nước chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 (bắt đầu từ ngày 14/8). Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thuộc về nhân dân. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công có tầm vóc, ý nghĩa to lớn không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả với cách mạng thế giới, nhất là các dân tộc bị áp bức trên toàn cầu. Đúng là: “Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (Hồ Chí Minh). 
 
Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công do nhiều yếu tố tạo nên nhưng trong đó nổi bật là: (1) Từ sự điều chỉnh đến sự hoàn chỉnh đường lối, tư tưởng về giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh là cả một quá trình đầy cam go và phức tạp, phải kiên trì, nhẫn nại và biết chờ đợi, chịu đựng mọi thử thách… để đạt được sự nhất trí cao, trở thành đường lối chung của Đảng. 
 
(2) Nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, sự chủ động, sáng tạo của tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và nhân dân ở các địa phương nên khởi nghĩa đã nổ ra đồng loạt và có sự phối hợp trên phạm vi cả nước. 
 
(3) Sự sáng tạo của Hồ Chủ tịch và Đảng ta trong chuẩn bị khởi nghĩa là chú trọng xây dựng lực lượng cách mạng rộng lớn bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. 
 
(4) Tư tưởng, sáng kiến vĩ đại của Hồ Chí Minh về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, mở rộng đoàn kết dân tộc, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất đã đáp ứng đúng yêu cầu lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân. 
 
(5) Đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, phát huy nội lực đồng thời tìm mọi khả năng tranh thủ ngoại lực, thực hiện chủ trương thêm bạn, bớt thù nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã “tranh thủ” được sự giúp đỡ của Đồng minh.  
 
Tư tưởng chủ động, sáng tạo, tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình: “tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt”; “hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước; thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn”, nhưng thách thức cũng không nhỏ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục phát huy tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, tinh thần quật khởi và những bài học của Cách mạng Tháng Tám, nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra. 
 
Vấn đề đặt ra là: (1) Khẳng định, đề cao tư tưởng chủ động, sáng tạo, tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám - 1945 là một bài học quý báu không chỉ có giá trị về lý luận và thực tiễn đối với cách mạng nước ta trong giai đoạn trước đây mà cả trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. 
 
(2) Hiện nay, với thế và lực của đất nước thuận lợi hơn nhiều so với thời điểm 1945, nếu biết vận dụng sáng tạo tư tưởng Cách mạng Tháng Tám và tinh thần Quốc khánh 2/9 để khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng thì nhất định chúng ta sẽ phát triển nhanh, bền vững như yêu cầu Nghị quyết Đại hội XII đặt ra. 
 
(3) Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều yếu tố tạo nên trong đó yếu tố con người biết nắm thời cơ, dũng cảm, sáng tạo, không sợ hy sinh… đóng vai trò quyết định. Vì vậy, trong bề bộn công việc cần làm hiện nay, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy nhân tố con người đậm nét bản sắc Việt Nam  sẽ là nhân tố có tính quyết định sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. 
 
(4) Vai trò của hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố đảm bảo sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Do đó, vấn đề xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề then chốt, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài của đất nước, đặc biệt là những địa phương có nhiều dân tộc, tôn giáo như tỉnh ta.
 
Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải trên cơ sở lấy dân làm gốc, dựa vào dân và vì dân mà phục vụ. Đảng không mạnh, chính quyền không trong sạch thì khối đại đoàn kết toàn dân khó thực hiện.
 
Trong 30 năm đổi mới, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt qua ngưỡng chậm phát triển trở thành một tỉnh đang phát triển. Tuy nhiên, là địa phương có nhiều lợi thế nhưng việc khai thác và phát huy chưa đạt hiệu quả cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân do đâu, hướng khắc phục như thế nào, đó là sự trăn trở của các thế hệ lãnh đạo của tỉnh. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X đã đánh giá một cách nghiêm túc những thành tựu và những hạn chế, yếu kém qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 -2015; trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2010 - 2015 nhằm “… phát huy mọi nguồn lực, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”. Vấn đề quan trọng lúc này không phải là ca ngợi về thành tích, hay phê phán những hạn chế, yếu kém, mà chính là đánh giá đúng mức thành tích cũng như khó khăn, yếu kém để đề ra được nhiệm vụ, giải pháp thực sự sát, đúng, có tính đột phá, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X đã đề ra. 
 
Cuộc sống luôn vận động theo quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, nhưng con người nhờ có trí tuệ, ý chí nếu nhận thức và vận dụng đúng quy luật của nó để phục vụ cho mục đích của mình thì nhất định sẽ thành công. Đó cũng chính là tư tưởng, ý chí và bài học của Cách mạng Tháng Tám - 1945.
 
BAN BIÊN TẬP