Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp và hợp tác xã

06:06, 23/06/2017

(LĐ online) - Chiều ngày 23/6, tại Hội trường Tỉnh ủy, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

(LĐ online) - Chiều ngày 23/6, tại Hội trường Tỉnh ủy, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên của Tỉnh Lâm Đồng, là dịp để các lãnh đạo tỉnh lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp với tinh thần “cầu thị- thẳn thắn- cởi mở”, cũng như đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vướng mắc, tìm các giải pháp tối ưu để hỗ trợ, tháo gỡ cho cộng động doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
 
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị
Chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Báu
 
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến- UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy; đồng chí Đoàn Văn Việt- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; Giám đốc các sở ngành, đại diện lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, cùng 60 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã trên toàn tỉnh.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 6.000 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực với tổng số vốn điều lệ trên 47.000 tỷ đồng, có 210 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, dịch vụ… Trong 6 tháng đầu năm 2017, thành lập mới 521 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, tổng số vốn đăng ký trên 2.800 tỷ đồng. 
 
Điểm đáng ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh là những năm gần đây đã tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội địa phương, cùng địa phương giải quyết gần 60.000 việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách địa phương năm 2016 là 4.755 tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng thu ngân sách nhà nước, tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng thương hiệu nông sản Lâm Đồng.
 
Nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân đối với việc thúc đẩy hoạt động kinh tế- xã hội tại địa phương, đối thoại cùng doanh nghiệp là hoạt động quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương. 
 
Tại buổi đối thoại với tinh thần chân tình, thẳng thắn, cởi mở, và dân chủ, là dịp để các lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và hợp tác xã để cùng trao đổi những khó khắn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp và hợp tác xã đang gặp phải. 
 
Các lãnh đạo tỉnh tham gia buổi đối thoại với doanh nghiệp
Các lãnh đạo tỉnh tham gia buổi đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Văn Báu
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào nhiều lĩnh vực như: Hợp tác xã Anh Đào với ý kiến mở rộng phạm vi phát triển hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ; công ty Sacom Tuyền Lâm đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông khu du lịch hồ Tuyền Lâm xứng tầm khu du lịch quốc gia, và xin nộp thuế 50 năm 1 lần; Hợp tác xã Vận tải ô tô số 1 TP. Bảo Lộc với ý kiến: Giảm bớt các thủ tục hành chính về cấp phù hiệu xe, đóng thuế, vé xe; Công ty du lịch Lâm Đồng với kiến nghị về an ninh, an toàn cho du khách, kẹt xe, rác thải, tăng giá bất thường dịp lễ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất ý kiến về vấn đề xây dựng điện gió tại phần đất của công ty; Công ty du lịch Tam Hà với vấn đề về thuê đất…
 
Đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên môi trường, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã lần lượt giải đáp các thắc mắc, ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến các ngành chức năng và tìm hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp.
 
Đồng chí Đoàn Văn Việt- Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đánh giá: Các ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp thu và có những giải pháp hỗ trợ, khắc phục. Nhiệm vụ quan trọng của tỉnh hiện nay là vấn đề khởi nghiệp, với kỳ vọng thành lập 10.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Và để làm được điều đó thì có rất nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề cần làm ngay, để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh cả chất và lượng. Một số vấn đề nữa chính là chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, du lịch dưới tán rừng, quản lý việc san gạt đất nông nghiệp để xây dựng… cần phải rà soát lại tất cả và khắc phục một cách quyết liệt, tích cực để thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Báu
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, hội nghị đối thoại này là dịp lãnh đạo tỉnh gặp gỡ lắng nghe các doanh nghiệp nói về những khó khăn vướng mắc, để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành và các địa phương luôn đồng hành, cầu thị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Bí thư Tỉnh ủy hứa và cam kết, tỉnh sẽ quyết liệt hơn nữa, nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải tự nghiên cứu đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, trả lời dứt khoát, hướng dẫn giải thích cụ thể để doanh nghiệp biết thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước. Đề nghị các sở ngành, các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử của tỉnh công bố công khai các quy trình, mẫu biểu của các cơ quan ban ngành để doanh nghiệp được biết thực hiện và giám sát cơ quan, sở, ngành trong việc thực hiện.
 
Diễm Thương