Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S làm việc tại Đạ Tẻh và Đạ Huoai

04:01, 16/01/2018

(LĐ online) - Sáng 16/1, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với UBND huyện Đạ Tẻh về kết quả tình hình sản xuất nông nghiệp và quản lý bảo vệ rừng năm 2017 và những nhiệm vụ trong năm 2018.

(LĐ online) - Sáng 16/1, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với UBND huyện Đạ Tẻh về kết quả tình hình sản xuất nông nghiệp và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) năm 2017 và những nhiệm vụ trong năm 2018. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, lãnh đạo 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo báo cáo của huyện Đạ Tẻh, trong năm 2017, địa phương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Diện tích sản xuất lúa theo cánh đồng lớn được duy trì, phát huy hiệu quả, mà đặc biệt là diện tích sản xuất nếp Quýt theo hướng VietGap đang mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Cùng với đó, Đạ Tẻh đã chủ động chuyển đổi đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như dâu tằm, bưởi da xanh, sầu riêng, quýt đường và tầm vông... Đến nay, Đạ Tẻh đã phát triển được gần 1.000ha dâu tằm; hơn 260ha cây ăn trái các loại; 210ha cây tầm vông... Tuy nhiên, trong năm, địa phương có 7.360ha/9.000ha điều bị dịch bọ xít muỗi tấn công gây thiệt hại cho người nông dân hàng trăm tỷ đồng và làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Đối với công tác QLBVR, toàn huyện xảy ra 107 vụ vi phạm lâm luật (giảm 60 vụ, 36% so với cùng kỳ năm 2016). Song, tại địa phương đã xảy ra một vụ phá rừng nghiệm trọng tại Tiểu khu 543 (thôn Tôn K’Long, xã Quảng Trị) gây thiệt hại gần 7ha rừng và hơn 440 m 3 gỗ các loại.
 
Tại huyện Đạ Huoai: Chiều cùng ngày, đồng chí Phạm S và Đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc về những vấn đề liên quan.
 
Theo báo cáo của UBND huyện Đạ Huoai: Đối với công tác QLBVR, trong năm xảy ra 76 vụ vi phạm lâm luật (giảm 11,6% so với năm 2016). Đặc biệt, Đạ Huoai là địa phương đầu tiên triển khai có hiệu quả đợt cao điểm giải tỏa thành công 103ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Đạ Huoai đang chuyển đổi đưa các giống cây trồng chất lượng cao như sầu riêng ghép, dâu tằm, điều ghép vào trồng thay thế cho các giống cây trồng cũ năng suất thấp. Hiện, Đạ Huoai có gần 3.000ha sầu riêng, hơn 11.800ha điều, 245ha mía, 549ha cao su và hơn 500ha chè trồng dưới tán điều. Cùng với cây trồng, huyện đang có đàn bò hơn 4.600 con, đàn heo hơn 20.000 con và hơn 132.000 con gia cầm. Tuy nhiên, trong năm dịch bọ xít muỗi và bệnh thán gây hại hơn 9.600ha điều; trong đó, có hơn 9.500ha bị thiệt hại trên 70% gây thất thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Cùng với đó, dịch lở mồm long móng xuất hiện tại một số địa phương khiến hơn 100 con gia súc bị bệnh...
 
Tại các buổi làm việc, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà 2 huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai đạt được trong năm 2017. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, trong thời gian tới, 2 địa phương cần tăng cường công tác QLBVR và phòng chống cháy rừng trong năm 2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy Lâm Đồng; chú trọng thực hiện tốt công tác giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp và phòng, chống cháy rừng. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND yêu cầu huyện Đạ Tẻh chú trọng đến công tác chuyển đổi các diện tích điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế như sầu riêng, bưởi da xanh...; chú trọng chuyển đổi, thâm canh cây dâu để nâng cao chất lượng kén tằm; mở rộng quy mô diện tích sản xuất nếp Quýt theo tiêu chuẩn GlobalGAP để nâng cao giá trị thương hiệu “Gạo nếp Quýt Đạ Tẻh” nâng cao thu nhập cho người dân; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tổ hợp tác và hợp tác xã... 
 
Đối với huyện Đạ Huoai, cần nhân rộng diện tích sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng sầu riêng Đạ Huoai trên thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao; khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng chè dưới tán điều để nâng cao thu nhập; chủ động trong công tác chống hạn và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi... Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 2 địa phương phối hợp tốt với Công ty CP HHL (trụ sở đóng tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất dứa và cây ăn quả tập trung tại các địa phương trong thời gian tới.
 
KHÁNH PHÚC