Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt: Mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn còn là thách thức

02:10, 27/10/2018

(LĐ online) - Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội hàng năm và giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020… Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã tham gia phát biểu. 

(LĐ online) - Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội hàng năm và giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020… Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã tham gia phát biểu. 
 
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Quốc hội.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt
phát biểu tại Quốc hội.
Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, tôi cho rằng kết quả lớn nhất mà chúng ta đạt được trong hơn 2 năm rưỡi qua và riêng trong năm 2018 là việc thực hiện thành công mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; tiếp tục tăng trưởng GDP, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. 
 
Bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội của đất nước thì vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế như: nguồn lực đầu tư còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều, văn hóa, xã hội còn những bất cập, vấn đề về môi trường còn nhiều thách thức. Thêm vào đó, diễn biến thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mở rộng, khó đoán định, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân ngày càng nhiều hơn, vì vậy mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn còn là thách thức đối với quá trình phát triển, vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn là “lõi nghèo của cả nước”, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cuộc sống, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế, khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các nhóm dân cư ngày càng tăng.
 
Tính đến cuối 2017, tỷ lệ hộ ngèo cả nước là 6,7% (ước đến cuối năm 2018 giảm xuống còn dưới 6%), trong đó còn gần 865 ngàn hộ nghèo DTTS, chiếm tới 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước. Riêng khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 12,86% (175.772 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 73% trên tổng số hộ nghèo. Đáng lưu ý là tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao (bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo), tỷ lệ hộ nghèo phát sinh gần bằng 23% so với tổng số hộ thoát nghèo do tách hộ, hậu quả thiên tai, lũ lụt, điều kiện sinh kế không đảm bảo, có nơi cứ 3 - 4 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo. Đồng thời, việc đo lường giảm nghèo theo phương pháp đa chiều chưa thực sự có chuyển biến sâu sắc trong đời sống của các hộ nghèo, vẫn còn tập trung vào chiều thu nhập, quan tâm cuộc sống trước mắt, các chiều còn lại góp phần cho giảm nghèo bền vững nơi này, nơi khác chưa được quan tâm đầy đủ.
 
Những phân tích trên cho thấy nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo bền vững được đảm bảo theo kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt chỉ tiêu đề ra, số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm nhiều hơn trước, nhưng những bài học kinh nghiệm của Việt Nam được nêu tại diễn đàn “Xóa nghèo và các vấn đề phát triển khác” trong chương trình Nghị sự của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gần đây như duy trì các thành quả trong tránh “tái nghèo”, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội, “để không ai bị bỏ lại sau”, đặc biệt là các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa… thiết nghĩ là những vấn đề thời sự cần được quan tâm chia sẻ. 
 
Để công tác giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tốt hơn, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
 
Một là, cần hình thành suy nghĩ mới trong việc xây dựng chính sách giảm nghèo bền vững phải thực sự gắn với nhu cầu trong đời sống của người dân ở các vùng, miền khác nhau; đầu tư cho sản xuất, chuyển đổi sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu, tạo động lực cho các hộ nghèo chủ động vươn lên làm ăn; tránh tư tưởng ỷ lại, xóa bỏ suy nghĩ xem đầu tư của nhà nước là “của cho”, thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng; thực tiễn đã có nhiều địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số biết tận dụng cơ hội, học hỏi lẫn nhau để làm ăn, từng bước cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
 
Hai là, Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề để giao cho Chính phủ tích hợp các chính sách giảm nghèo đang tản mạn với hơn 100 chính sách, 10 bộ, ngành điều hành để xây dựng một chương trình tổng thể thống nhất đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chính phủ cần xem đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển, đưa những vùng này không chỉ thoát nghèo mà có cơ hội vươn lên làm giàu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tập trung nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo sức lan tỏa mạnh và lâu dài, khắc phục tình trạng đầu tư chồng chéo, manh mún, dàn trải, không nơi nào có đủ nguồn lực thực hiện chính sách, dẫn đến tình trạng phân tán, “dở dang”, kém chất lượng, không đem lại hiệu quả thiết thực.
 
Ba là, xem xét để sửa đổi, bổ sung cơ chế phù hợp để đẩy mạnh việc thực hiện hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi trong nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, hỗ trợ nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số làm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; đa dạng hóa hơn nữa các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
 
Năm là, cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách kinh tế lâm nghiệp phù hợp, tạo sinh kế thực sự cho người dân ở các địa phương có rừng, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đồng thời có các chính sách để ổn định cuộc sống cho dân di cư tự phát, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu một cách thực sự hiệu quả.
 
PV