Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm giữ vững vị trí cầm quyền của Đảng

05:01, 06/01/2020

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), Đảng ta đã khẳng định: "bắt buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng"...

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), Đảng ta đã khẳng định: “bắt buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng”. Từ đó trở đi, các văn kiện Đại hội Đảng đều thể hiện những quan điểm về nội dung Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Đại hội X của Đảng năm 2006 đã đưa vào Điều lệ Đảng quy định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Kể từ đây, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật được xác định là một trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng.  
 
Nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội thông qua việc đề ra đường lối, chính sách của Đảng; Nhà nước tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng thông qua chức năng quản lý Nhà nước. Hiến pháp, pháp luật chính là đường lối, chính sách của Đảng được thể chế hóa. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và cán bộ, đảng viên thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật chính là đã thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh nước ta đang phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay đặt ra yêu cầu mọi tổ chức, cán bộ, công chức, công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Đảng lãnh đạo xây dựng Hiến pháp, pháp luật, nhưng một khi đã có Hiến pháp, pháp luật thì Đảng không những phải tôn trọng mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp, pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác. 
 
Nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật khẳng định vị trí, vai trò của Đảng được chế định trong Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Đường lối, chính sách của Đảng phải được thể chế hóa thành Hiến pháp và pháp luật thông qua trình tự lập hiến, lập pháp, qua đó mà thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Năm 1991, khi Đảng ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp 1992. Năm 2011, khi Đại hội lần thứ XI của Đảng ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam sửa đổi, bổ sung, phát triển năm 2011, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp 1992. Tất cả các nghị quyết của Đảng đều được thể chế hóa thành hiến pháp, pháp luật và chính sách của Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất nhưng Đảng không được đứng trên Hiến pháp, đứng ngoài Hiến pháp. Tổ chức, sinh hoạt của Đảng phù hợp với các thiết chế do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với các chế định của Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được quy định trong Hiến pháp nhưng lãnh đạo của Đảng không được trái với Hiến pháp, cản trở việc thực thi Hiến pháp. Tổ chức đảng và đảng viên gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không những phải nghiêm chỉnh chấp hành, mà còn phải gương mẫu trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Không phải chỉ đến Đại hội X khi nguyên tắc này được quy định mà trước đó, Đảng ta tuy là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội cũng luôn tuân thủ và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp. Quá trình đổi mới của Đảng, từ Trung ương đến tổ chức đảng các cấp đã nâng cao ý thức hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp đã quy định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị và xã hội. Một số văn bản luật đã có điều khoản quy định về tổ chức đảng trong các tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế. Trong quá trình đổi mới cán bộ, đảng viên của Đảng đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước. 
 
Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này không phải đều được tiến hành tốt ở mọi lúc, mọi nơi và vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục. Vị trí, vai trò, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiều tổ chức, lĩnh vực chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa so với yêu cầu của nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vẫn còn có những quyết sách của Đảng chưa thật sự phù hợp với Hiến pháp, pháp luật. Ở một số nơi trình tự ra quyết sách của Đảng chưa thật sự phù hợp với quy định - còn một số cán bộ nhân danh tổ chức đảng gây áp lực ảnh hưởng đến việc thực hiện luật pháp và chính sách của cơ quan nhà nước. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu thực hiện pháp luật, thậm chí coi thường, cố ý làm trái pháp luật. Hiện nay đã xuất hiện tình trạng tham nhũng bằng chính sách.
 
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu bổ sung, phát triển, thể chế hóa những quan điểm mới có tính nguyên tắc về xây dựng Đảng, nhất là những quan điểm mới thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); những nội dung mới về Đảng và hệ thống chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013”. Để thực hiện có hiệu quả nguyên tắc này trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các giải pháp, đó là: (1). Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; nâng cao trách nhiệm thực thi Hiến pháp, pháp luật cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân. (2). Nâng cao chất lượng thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật; tiếp tục thể chế hóa vị trí, vai trò, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng; đổi mới có hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chấp hành Điều lệ Đảng với chấp hành pháp luật của đảng viên. Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc: Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Cần xây dựng cơ chế bảo đảm sự giám sát thật sự hiệu quả của Nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên. 
 
Việc thực hiện nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đảng, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Đảng. Một mặt, bằng các quy định ở những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; công nhận sự hoạt động hợp pháp của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Từ sự thể chế hóa này, hoạt động của các tổ chức đảng được pháp luật bảo vệ, giúp Đảng giữ vững vị trí cầm quyền.
 
VŨ TRUNG KIÊN