Tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế là mặt trận thứ hai

05:04, 13/04/2020

Sáng 13-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành T.Ư chuẩn bị nội dung Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp...

Sáng 13-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành T.Ư chuẩn bị nội dung Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng nêu rõ, mặt trận thứ nhất là chống dịch, mặt trận thứ hai là tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế để không bị đứt gẫy, bảo đảm việc làm cho người lao động để có sự tăng trưởng cần thiết. Doanh nghiệp, doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận thứ hai này.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị hội nghị với doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị hội nghị với doanh nghiệp
 
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, cũng như bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, Thủ tướng cho rằng, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất chính là các loại hình doanh nghiệp (DN). Một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như du lịch, vận tải, dịch vụ, ăn uống... Các DN vừa và nhỏ, DN tư nhân, các hợp tác xã (HTX) cũng hết sức khó khăn.
 
Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực vươn lên của DN, thì các DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong khi các DN là nhân tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Do đó, cùng với bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân là quan trọng nhất thì bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình DN để kinh tế không bị đổ gãy, phải là ưu tiên tiếp theo.
 
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, cùng với các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đang triển khai cần có Hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các DN để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN. Chỉ khi nào lắng nghe đầy đủ ý kiến của các DN, hiệp hội DN, thì quyết sách mới sát và nhanh chóng đi vào thực tiễn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ dành cho DN, phải lắng nghe xem DN đã tiếp cận được các gói hỗ trợ này hay chưa.
 
Cho rằng có nhiều việc Nhà nước có thể làm được, không tốn kém tiền, đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD), Thủ tướng yêu cầu tập trung vào biện pháp này, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà, ràng buộc, qua đó thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, gồm cả vốn trong nước, nước ngoài, ODA...
 
Thủ tướng nêu rõ, mặt trận thứ nhất mà chúng ta đang tiến hành “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó; các xã, phường, DN là pháo đài. Kinh tế thế giới và kinh tế trong nước khó khăn nhiều. Do đó, chúng ta phải đi vào mặt trận thứ hai: phát triển kinh tế, các DN, doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận thứ hai này. Chúng ta giữ cho mặt trận thứ hai để kinh tế không bị đứt gẫy, bảo đảm việc làm cho người lao động để có sự tăng trưởng cần thiết là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Chính vì thế chúng ta phải dựa vào toàn dân, trong đó lực lượng DN có vai trò quyết định.
 
Việc tổ chức hội nghị rất cần thiết để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đây là thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tình hình thế giới có nhiều phức tạp như chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, biến đổi khí hậu… nhưng nghiêm trọng hơn cả là đại dịch gây ra hậu quả rất xấu cho toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần nhấn mạnh sự đứt gẫy chuỗi cung ứng, sự yếu của cung và cầu của nền kinh tế, đặc biệt là những ngành bị tác động quá nặng nề, thất nghiệp, cơ bản dừng hoạt động… để từ đó thấy được sự cần thiết cần nỗ lực giữ phục hồi nền kinh tế.
 
Về tên gọi hội nghị sắp tới, Thủ tướng gợi ý Chính phủ sẽ chọn sau khi thảo luận trong Thường trực Chính phủ, hướng sẽ là tái khởi động nền kinh tế không để trầm lắng như hiện nay. Về sản phẩm của hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cần có cuộc thảo luận, cần phát động trong toàn xã hội để tiếp tục phục hồi sản xuất, cho nên phải có hội nghị này để quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ này. Do đó có thể là một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế; hoặc một Nghị quyết của Chính phủ nêu những biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển các loại hình DN của đất nước. Chính phủ sẽ chọn một trong hai loại hình này để Thường trực Chính phủ thảo luận chặt chẽ.
 
Để chuẩn bị hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ, động viên, tạo MTĐTKD cho DN là hướng quan trọng. Do đó, phần rất quan trọng là có báo cáo chung về tình hình DN của đất nước hiện nay, định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với phát triển các loại hình DN, giữ nhịp độ phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo hội nghị công phu, kỹ lưỡng, khái quát nhất. Báo cáo cũng phải nêu được những khó khăn, kiến nghị của DN do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày. Nhưng nêu khó khăn cũng phải thấy có sức sống, trí tuệ, quyết tâm của DN vươn lên chứ không đơn thuần “kêu ca khó khăn”; phải nêu bật hào khí Việt Nam trong phát triển DN.
 
Về báo cáo chuyên đề, Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng Tài chính rằng, chính sách tài khóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, việc hưởng lợi chính sách tài khóa rất quan trọng đối với DN, kể cả những vấn đề thẩm quyền thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chính sách tiền tệ cần cụ thể, quyết liệt hơn, với những giải pháp được làm rõ hơn trên tinh thần ngành ngân hàng đồng hành DN qua việc hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để bù đắp một phần cho DN. Báo cáo của Bộ Công thương cần chú trọng về thị trường, tái cơ cấu thị trường, thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do, tổ chức thực hiện tốt thị trường trong nước 100 triệu dân; các DN cũng phải làm thị trường. MTTQ phát động cộng đồng DN Việt Nam tận dụng thời cơ, hưởng ứng phát triển kinh tế đất nước.
 
Tinh thần là các báo cáo phải nêu được sự phát triển trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, phải giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các chỉ tiêu quan trọng; tái cơ cấu lại DN; ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử, nền kinh tế số, các ứng dụng trực tuyến... trong đó nhấn mạnh thời cơ hiện nay.
 
Vấn đề tiếp tục đầu tư phát triển, kể cả đầu tư công; tạo MTĐTKD, các cấp, các ngành từ Bộ trưởng đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tìm mọi cách loại bỏ các thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho DN. Một số cơ quan tư pháp phải phát biểu tại hội nghị với tinh thần không hình sự hóa quan hệ kinh tế, giảm bớt thanh tra, kiểm tra, điều tra một số việc không cần thiết trừ các trường hợp vi phạm pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trong việc tạo thuận lợi cho MTĐTKD. Lãnh đạo các bộ, ngành phải tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ với tinh thần đặt lợi ích đất nước lên trên hết, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
 
Thủ tướng đồng ý với đề xuất tổ chức hội nghị bằng cả hình thức truyền hình trực tiếp, vừa trực tuyến; càng nhiều DN tham gia rộng rãi càng tốt. Các báo cáo tại hội nghị phải mang tinh thần nói đi đôi với làm, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng DN. Phải đầu tư trí tuệ vào các báo cáo quan trọng này để toát lên tinh thần “cởi trói” cho DN để thấy Đảng, Nhà nước, MTTQ luôn ở bên cạnh các DN. Thủ tướng nhắc lại vấn đề quan trọng vẫn là thực hiện mục tiêu kép: chống dịch Covid-19 thành công cùng với bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
 
* Tại cuộc họp, Văn phòng Chính phủ cho biết, theo dự kiến, Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN sắp tới nhằm các mục tiêu: đánh giá việc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho SXKD, ứng phó dịch Covid-19 tới thời điểm tổ chức hội nghị; thực trạng, khó khăn, thách thức và thời cơ mới cho các DN phát triển bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19. Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, hỗ trợ DN thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2020. Nghiên cứu, thảo luận một số chính sách, định hướng chính sách đặc biệt áp dụng cho các ngành chịu thiệt hại lớn, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như hàng không, du lịch... Thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ với cộng đồng DN, lắng nghe, ghi nhận các đề xuất kiến nghị của DN; Khích lệ cộng đồng DN bình tĩnh, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay, tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng đất nước.
 
(Theo nhandan.com.vn)