Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết

05:05, 12/05/2020

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới...

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người mãi là tấm gương mẫu mực sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo về đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cán bộ là cái gốc của mọi công việc vẫn tỏa sáng trong giai đoạn cách mạng Việt Nam hiện nay. 
 
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. (Ảnh: nguồn Internet)
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. (Ảnh: nguồn Internet)
 
HỒ CHÍ  MINH - LÃNH TỤ THIÊN TÀI CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN 
 
Từ một dân tộc trải ngàn năm sống trong đêm trường lầm than, tủi nhục bởi chế độ phong kiến và chế độ phong kiến phương Bắc đô hộ; một thế kỷ nô lệ dưới ách cai trị của chế độ thực dân; song dưới ánh sáng chỉ đường của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, dân tộc ta đã vùng lên lật đổ chế độ phong kiến; đánh đuổi hai tên trùm thực dân, đế quốc hung hãn, tàn bạo của thời đại, thống nhất non sông, đưa dân tộc ngẩng cao đầu bước vào kỷ nguyên hội nhập thế giới. Để có thành quả đó, các thế hệ con cháu Lạc Hồng càng biết ơn và bội phần tự hào bởi dân tộc, "con thuyền" cách mạng nước nhà luôn nhận được sự dìu dắt, chăm lo, định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta. 90 năm qua, pho lịch sử bằng vàng của Đảng khắc ghi công lao vĩ đại của  Hồ Chủ tịch - Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng nền Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tổ chức và huấn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đặt nền tảng quan hệ với các dân tộc trên thế giới. Người đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi ngày càng to lớn hơn... 
   
Những ngày tháng 5 lịch sử  hào hùng của dân tộc vang vọng khúc tráng ca 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và đặc biệt là âm hưởng bản anh hùng ca giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Kỷ niệm 45 năm non sông liền một dải, chúng ta thật tự hào bởi thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn 100 năm của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). 
 
VIỆT NAM TẠO RA THẾ VÀ LỰC MỚI 
 
Tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử mới, 45 năm qua, cả nước từng bước vượt qua nhiều "phong ba, bão táp" kiên định con đường đi lên CNXH. Độc lập dân tộc là nền tảng vững chắc để thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Thu nhiều thành tựu lớn lao và vẫn còn đó không ít chông gai - khó khăn, thách thức thế nhưng toàn cảnh bức tranh Việt Nam đã bừng sáng. Xin điểm những con số ngoạn mục qua gần nửa thế kỷ phấn đấu: Mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước 6-7%/năm, đặc biệt giai đoạn 1990-2000 đạt 7,5%;... từ năm 2015 đến 2019 tăng trưởng GDP là 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08%; 7,02%. Đặc biệt, năm 2019 Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; là năm thứ hai liên tiếp nước ta đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch (GDP, xuất khẩu, giảm nghèo, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, xuất siêu, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, số giường bệnh/vạn dân). Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc, tốc độ tăng GDP tăng 7,0%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra (từ 6,6-6,8%) và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất... Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình... Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 đến năm 2014 còn 8%, đến năm 2019 tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4% và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao... Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Việt Nam đã xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với 187 nước, quan hệ kinh tế thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO, CPTPP... Năm 2019 Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hòa bình khu vực và thế giới... Đánh giá thành quả sau 45 năm thống nhất đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
 
TIẾP TỤC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH 
 
Đất nước phát triển, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đã chứng tỏ, tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai. Cuộc đời Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu Nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng... 
 
Tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục kế thừa bài học kinh nghiệm vô giá trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Để làm được việc đó, chúng ta phải thường xuyên chú trọng một số việc sau: 
 
Phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới và chủ trương: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
 
Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải chú trọng nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách của Đảng phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
 
Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải xác định đây là công việc thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các địa phương, đơn vị và cần gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 
Một việc làm cực kỳ quan trọng nữa là phải kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
 
Ảnh: nguồn Internet
Ảnh: nguồn Internet
 
CÔNG TÁC CÁN BỘ - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH BẠI 
 
Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yếu tố thuận lợi để thực hiện tốt việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Về tầm quan trọng của việc này,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "... trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém...". Tổng Bí thư cũng chỉ ra "Cần khẳng định rằng, sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy yếu niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước". "Hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng, tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga" (Lênin), do vậy, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng hết sức quan trọng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: "cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết".
 
Bàn về công tác cán bộ trước Đại hội Đảng các cấp, chúng ta càng thấm thía tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Bác nhận thức rõ vị trí, vai trò của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng: “... cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Từ đó, Người yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy có xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”...
 
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả lòng kính yêu và biết ơn, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của mỗi người dân Việt Nam.
 
ĐAN THANH