Thảo luận về dự thảo Luật thỏa thuận quốc tế

05:10, 22/10/2020

(LĐ online) - Trong phiên họp làm việc buổi chiều 22/10, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

(LĐ online) - Trong phiên họp làm việc buổi chiều 22/10, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
 
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan tham dự trực tuyến chiều 22/10
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan tham dự trực tuyến chiều 22/10
 
Dự án Luật này gồm 7 chương, 52 điều đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp thứ 46 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Các ĐBQH đã tiến hành thảo luận các nội dung liên quan như khái niệm thỏa thuận quốc tế; bên ký kết Việt Nam; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; ký kết thỏa thuận quốc tế; hướng dẫn công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; hiệu lực thi hành Luật; quy định chuyển tiếp. 
 
Về khái niệm thỏa thuận quốc tế, UBTVQHđã chỉnh lý “Thỏa thuận quốc tế (TTQT) là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế”. Về bên ký kết Việt Nam (khoản 2 Điều 2), nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện do băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
 
UBTVQH cho rằng, việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và cấp xã trong đó có các xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
 
Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện. Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới, đồng thời giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký như: về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tùy nội dung ký kết, các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh.
 
Do đó, UBTVQH cho rằng việc ký TTQT chỉ quy định đến cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là phù hợp.
 
Về dự luật này, đại biểu Nguyễn Tạo -  Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến: về việc rà soát đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế cần đối chiếu bằng văn bản tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để đảm bảo tính chính xác. Không giới hạn một số chủ thể quy định tại điều 11. Trước khi tiến hành ký thỏa thuận quốc tế cần phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tiến hành rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để đảm bảo tính chính xác.
 
NGUYỆT THU