Chủ tịch nước Lê Đức Anh và những dấu ấn đặc biệt

06:12, 01/12/2020

(LĐ online) - Nói tới Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nói tới một nhà chính trị và quân sự. Là một nhà quân sự, ông đã từng lăn lộn ở những chiến trường cam go, khốc liệt nhất,...

(LĐ online) - Nói tới Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nói tới một nhà chính trị và quân sự. Là một nhà quân sự, ông đã từng lăn lộn ở những chiến trường cam go, khốc liệt nhất, là một nhà chính trị, ông từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị nào, ông cũng có những đóng góp đặc biệt và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.
 
Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 và mất ngày 22-4-2019. Ông còn có những bí danh khác là Sáu Nam, Nguyễn Phú Hòa. Năm 1937, Lê Đức Anh bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 5-1938. Trước năm 1945, ông hoạt động trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh. Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông đã tổ chức lực lượng tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Thủ Dầu Một. Từ tháng 8-1945, Lê Đức Anh tham gia quân đội và từ đó trở thành một trong những nhà lãnh đạo về quân sự hoạt động ở miền Nam.
 
Sau khi hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra miền Bắc. Tháng 5-1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8-1963, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2-1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lê Đức Anh là một trong những nhà lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở chiến trường miền Nam. Trong chiến dịch mùa khô 1966 - 1967, ông là người trực tiếp chỉ đạo đánh bại Chiến dịch Junction City của quân đội Mỹ và các nước đồng minh ở chiến trường Tây Ninh. Từ năm 1969, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, ông cùng đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. 
 
Là một vị tướng tài năng, ngoài trực tiếp chỉ huy đánh bại Chiến dịch Junction City, ông còn ghi dấu ấn của mình trong việc chỉ huy các trận đánh lớn có tác dụng quyết định đối với cuộc kháng chiến chống xâm lược của Nhân dân Việt Nam. Đó là các trận phá âm mưu bình định, tràn ngập lãnh thổ sau khi có Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn ở địa bàn Quân khu 9 năm 1973, chỉ huy chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long năm 1974. Đây là một thắng lợi quan trọng giúp thăm dò khả năng và hoạch định quyết sách cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975. Đặc biệt, trên cương vị là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn, ông đã chỉ huy và cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. 
 
Cuộc đời binh nghiệp của tướng Lê Đức Anh sau đó ghi dấu ấn sâu đậm ở mặt trận Tây Nam trong cuộc chiến chống Pol Pot và cuộc tình nguyện giúp nhân dân Campuchia tái thiết đất nước sau họa diệt chủng. Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Tháng 12-1986, Lê Đức Anh được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. 
 
Từ ngày 16-2-1987 đến ngày 10-8-1991, Lê Đức Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị này, ông đã tham mưu để Bộ Chính trị giảm quân số từ 1,5 triệu quân thường trực xuống còn 450.000 (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn), gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải tỏa đáng kể. Tháng 2-1987, ông đã đề xuất Bộ Chính trị thực hiện phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN. Lê Đức Anh là một trong số ít những cán bộ quân đội đã trải qua cả bốn chiến trường trong suốt 40 năm: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, tham gia chỉ huy tại chiến trường miền Nam chống Mỹ trong 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia trong 7 năm (1979 - 1986), tham gia chỉ huy chiến trường biên giới phía Bắc trong 3 năm (1986 - 1989).
 
Năm 1991, Lê Đức Anh giữ nhiệm vụ Thường trực Bộ Chính trị. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Trong thời kỳ này, đất nước ta đang ở giai đoạn gặp nhiều khó khăn: Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, viện trợ của Việt Nam từ các nước này không còn, kinh tế - xã hội đang trong quá trình chuyển biến... Hoa Kỳ vẫn thực hiện bao vây cấm vận, quan hệ với Trung Quốc chưa được cải thiện nhiều…Trước bối cảnh tình hình đất nước khó khăn, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ họp bàn, tìm cách giải quyết; cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân từng bước vượt qua các khó khăn, thách thức. 
 
Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp, đặc biệt là đã bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều điểm mới, phù hợp với xu thế của thời đại, với tình hình quốc tế và trong nước phù hợp với tình hình mới của đất nước. Ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh số 36-L/CTN, công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Đây là một quyết định không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. 
 
Trong đầu những năm 1990, quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc dần được cải thiện, quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài. Đặc biệt, ngày 12-7-1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội. Trong nhiệm kỳ giữ cương vị cao nhất của Nhà nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thay mặt Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, thăm một số nước trên thế giới để mở rộng quan hệ đối ngoại. Ngày 8-5-1995, nhận lời mời của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang Cộng hòa Pháp dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng phát xít. Tiếp đó, từ ngày 22 đến 24-10-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập LHQ tại New York (Mỹ)...
 
Thực hiện quan điểm của Đảng về đối ngoại, theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký phê chuẩn 1 hiến chương, 26 công ước, 5 hiệp ước và 35 hiệp định, 3 nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật Biển) và đã ủy quyền đàm phán và ký kết nhiều điều ước quốc tế khác.
 
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá về người đồng chí thân thiết của mình: “Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh...”. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người kế nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của Lê Đức Anh đã đánh giá: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người đóng góp tích cực, kể cả trong việc cải thiện quan hệ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ (…) Điều đó chứng tỏ không chỉ là tướng tài, trong lĩnh vực chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đồng chí là người sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược. Đồng chí Lê Đức Anh đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc của người lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước chúng ta, vị tướng tài của quân đội và nhân dân ta”.
 
HỒNG PHÚC