Hội nghị góp ý Dự án Luật Cảnh sát cơ động

03:10, 12/10/2021

(LĐ online) - Ngày 12/10, tại Công an tỉnh, Đoàn ĐBQH Khóa XV tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị góp ý Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tham dự chủ trì có ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Khóa XV tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Bon Yo Soan – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thượng tá Trương Minh Đương – Phó Giám đốc Công an tỉnh.

(LĐ online) - Ngày 12/10, tại Công an tỉnh, Đoàn ĐBQH Khóa XV tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị góp ý Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tham dự chủ trì có ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Khóa XV tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Bon Yo Soan – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thượng tá Trương Minh Đương – Phó Giám đốc Công an tỉnh.
 
Chủ trì hội nghị phát biểu
Chủ trì hội nghị phát biểu
 
Cùng tham dự có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) K' Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội; Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; cán bộ, chiến sĩ các phòng, ban, đơn vị liên quan thuộc Công an tỉnh.
 
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa lần thứ 5 bao gồm 5 Chương, 32 Điều. Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc xây dựng Dự án Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về lực lượng Cảnh sát cơ động, góp phần bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế.
 
Đại biểu góp ý dự án luật Cảnh sát cơ động
Đại biểu góp ý dự án luật Cảnh sát cơ động
 
Tại hội nghị, lực lượng cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động đã bày tỏ sự thống nhất cao, vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đối với việc lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Việc xây dựng luật cũng nhằm tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, hướng đến lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.  Tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cảnh sát cơ động. Cần điều chỉnh thẩm quyền điều động của Tư lệnh Cảnh sát cơ động, quy định về việc phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức lực lượng chức năng liên quan và chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ. Bổ sung quy định về bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động…
 
Một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng CSCĐ, tránh trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ với Luật Công an nhân dân vì Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân. Đồng thời có ý kiến đề nghị nghiên cứu cụm từ “chuyên trách” để thống nhất với vị trí của Công an nhân dân quy định tại Luật Công an nhân dân và Luật An ninh quốc gia.
 
Toàn cảnh hội nghị góp ý Dự án Luật cảnh sát cơ động
Toàn cảnh hội nghị góp ý Dự án Luật cảnh sát cơ động
 
Cụ thể, về điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ (Điều 19): Có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh (tại Điều 16) với Điều này để quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, chỉ huy, điều động, sử dụng Cảnh sát cơ động; phân định rõ tính chất sự việc cấp bách để trao quyền cho Tư lệnh, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố quy định ở khoản 2 Điều này. Nhiều ý kiến cho rằng quy định giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện, sân bay, kho tàng, bến bãi, nhất là xây dựng “sân bay” cần nghiên cứu kỹ tính khả thi để đảm bảo phù hợp với thực tiễn; kết hợp khai thác, sử dụng cơ sở vật chất như: Sân bay, bến bãi hiện có của lực lượng Quân đội, Công an hoặc các lực lượng khác, tránh lãnh phí nguồn lực; đồng thời, việc bố trí địa điểm, đầu tư xây dựng cần bảo đảm tính lưỡng dụng, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động và các đơn vị liên quan đã được Đoàn ĐBQH ghi nhận, đánh giá cao. Đoàn thư ký sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ được các ĐBQH trực tiếp tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho lực lượng cảnh sát cơ động, hướng đến bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Nhân dân.
 
NGUYỆT THU