Sức mạnh Đại đoàn kết trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Nam Tây Nguyên (Kỳ 1)

11:10, 11/10/2021

(LĐ online) - Cứ mỗi khi đất nước lâm nguy hoặc gặp khó khăn là đồng bào các dân tộc Việt Nam lại quy tụ về một mối đoàn kết thống nhất, tạo nên một ý chí mãnh liệt quyết tâm bảo vệ các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng...

[links()]
(LĐ online) - Cứ mỗi khi đất nước lâm nguy hoặc gặp khó khăn là đồng bào các dân tộc Việt Nam lại quy tụ về một mối đoàn kết thống nhất, tạo nên một ý chí mãnh liệt quyết tâm bảo vệ các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng - thời khắc này đây, đó chính là giặc Covid - 19. Đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã thi đua chung tay góp sức phòng chống dịch Covid 19 theo cách riêng của mình. Những nghĩa cử cao đẹp ở Lâm Đồng được kết tinh từ truyền thống “máu chảy ruột mềm” của dòng máu con Lạc cháu Hồng đầy tự hào. 
 
Kỳ 1: Lời hiệu triệu chạm đến trái tim
 
Những vườn rau xanh tốt được nông dân Lâm Đồng tặng “cả vườn” cho người dân vùng dịch thành phố Hồ Chí Minh.
Những vườn rau xanh tốt được nông dân Lâm Đồng tặng “cả vườn” cho người dân vùng dịch thành phố Hồ Chí Minh
 
Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến đời sống bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những người yếu thế trong xã hội. Nhưng chính trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Nam Tây Nguyên đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Cùng với chỉ đạo định hướng đúng đắn của Thường  trực Tỉnh ủy - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của chính quyền địa phương, mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
 
Ngược về lịch sử, trong ký ức của nhiều người chắc hẳn không thể quên được “nạn đói năm Ất Dậu” kéo dài từ tháng 10/1944 đến giữa năm 1945. Để giải quyết tình trạng này, Việt Minh đã cùng với nhân dân chống lại việc trưng mua lúa gạo, cùng người dân đánh phá các kho lúa của địch. Ở nhiều nơi tại Nam bộ, đồng bào đã tự phát tổ chức quyên góp và tìm nhiều cách thức đưa lương thực ra miền Trung và miền Bắc để giúp đỡ bà con vùng bị đói... Sức mạnh đoàn kết đã góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Hội CCB Dran tặng cà phê cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt
Hội CCB Dran tặng cà phê cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt
 
Tinh thần đó vẫn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, đợt dịch lần này, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ tiếp tục kêu gọi người dân “chống dịch như chống giặc”. Nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động, người dân, doanh nghiệp trên cả nước đã đồng tâm hiệp lực trong việc phòng, chống dịch. Trong đó, sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 đã được người dân tích cực ủng hộ. 
 
Tại Lâm Đồng, trong hơn một  năm qua, lực lượng đoàn viên, hội viên các chi hội đoàn thể ở Khu dân cư thuộc Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Nội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi… và các thành viên Ban công tác Mặt trận, Chi bộ, Ban Thanh tra nhân dân, dân quân tự vệ của thôn, tổ dân phố là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia và duy trì hoạt động hiệu quả của 2.313 Tổ Covid cộng đồng tại Nam Tây Nguyên. Huy động 8.373 thành viên Tổ Covid cộng đồng làm nhiệm vụ kiểm soát người dân ra vào thường xuyên tại 597 chốt tự quản bảo vệ vùng xanh - vùng an tòan không có dịch Covid - 19. Trách nhiệm đặt lên vai các thành viên lúc này là kiểm soát, giám sát chặt chẽ người ra vào khu dân cư, nhất là người lạ, người về từ vùng đang có dịch bệnh Covid - 19 để kịp thời báo cáo với Chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Tại điểm kiểm soát, Các thành viên tích cưc hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. 
 
Công nhân, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng thì tích cực tham gia xây dựng và hoạt động hiệu quả mô hình “Tổ an toàn Covid - 19”, “Vùng xanh doanh nghiệp”, “ Doanh nghiệp an toàn không có dịch bệnh Covid - 19”, “Doanh nghiệp xanh”, “vùng xanh tại Cơ sở, sản xuất nông sản Đà Lạt”…Mỗi hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản phải thật sự là một “pháo đài” phòng chống dịch bệnh hiệu quả; theo dõi, giám sát chặt chẽ người đến, làm việc và đi lại trong khu vực sản xuất, sơ chế, đóng gói nông sản, quyết tâm không để dịch xâm nhập. Thực hiện tốt chủ trương “một cung đường, hai điểm đến”, từ nhà đến nơi làm việc và về, không ghé nhiều nơi để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Hướng đến, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay. Hướng đến bảo vệ và giữ gìn khu dân cư an toàn, doanh nghiệp an toàn không có dịch COVID-19, hoạt động này đã và đang nhận được sự đồng thuận  của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 
 

 

Những chuyến xe nông sản yêu thương xuyên ngày đêm gửi tặng người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Những chuyến xe nông sản yêu thương xuyên ngày đêm gửi tặng người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
 
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, tôi có dịp  cùng đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà, động viên anh em lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch Covid - 19 Eo Gió - huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ 6g sáng tinh mơ, tôi bắt gặp hình ảnh bác cựu chiến binh thị trấn Dran chuẩn bị từng ly cà phê  mang đến tặng các chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, anh em y tế đang làm nhiệm vụ tại chốt. Ông chia sẻ: Mỗi người một việc làm, hành động khác nhau tùy theo điều kiện của mình, ở đây tôi thấy các anh em làm nhiệm vụ kiểm soát dịch suốt ngày đêm ngoài sương gió lạnh lẽo, tôi tình nguyện pha cà phê mang tặng các chú, các cô để thêm ấm lòng mỗi sớm mai thức dậy. Để thấy chúng tôi luôn sát cánh bên cạnh các đồng chí để kiểm soát chặt, không cho nguồn bệnh Covid - 19 lây nhiễm trong cộng đồng. 
 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể, địa phương phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đã xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái thể hiện truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta. Tính đến nay (từ ngày 27/5 đến ngày 01/10/2021), Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận của 619 tập thể, cá nhân ủng hộ với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng.
 
Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Trước đại dịch, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19” và ngay lập tức đã nhận được sự đồng thuận, tham gia hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Đây là nguồn động viên to lớn, góp phần tăng cường nguồn lực xã hội trong công tác phòng, chống dịch, khích lệ, động viên các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tham gia phòng, chống dịch hiệu quả; góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân tỉnh nhà. 
 
Với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, lực lượng ở tuyến đầu như ngành y tế, quân đội, công an, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các tình nguyện viên,... đang phải dốc sức, ngày đêm đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, Lâm Đồng khẳng định luôn sát cánh cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phối hợp, hỗ trợ trong công tác cung ứng hàng hóa (rau, củ, quả) trong khả năng của tỉnh. Theo đó, nhiều ngày qua, những chuyến rau, củ đầy nghĩa tình đã xuống tới Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... Hàng trăm tấn rau, củ, quả được bà con Lâm Đồng gửi tặng cho đồng bào đang phải sống trong những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh...
 
Đứng trước đại dịch COVID - 19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta càng phải nhớ đến lời của Bác đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 38.)
 
 
Mọi tầng lớp nhân dân đã cùng chiến sĩ lực lượng y tế, công an, quân đội, thanh niên xung kích… đã ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp cơm nước cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch; cỗ máy ATM gạo lại khởi động để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn… 
 
 
Kỳ 2: Lan tỏa an sinh xã hội cùng chiến thắng đại dịch
 
NGUYỆT THU