Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

05:10, 23/10/2021

(LĐ online) - Chiều 23/10, Quốc hội tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ tư, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Tham dự và chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, Phó Trưởng Đoàn Nguyễn Tạo, cùng ĐBQH K'Nhiễu, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh.

(LĐ online) - Chiều 23/10, Quốc hội tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ tư, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Tham dự và chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, Phó Trưởng Đoàn Nguyễn Tạo, cùng ĐBQH K’Nhiễu, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh.
 
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
 
Các đại biểu tham dự kỳ họp đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.  Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm. Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
 
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
 
 Uỷ ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trong đó có cả lĩnh vực tư pháp và an ninh trật tự. Kết quả là tổng số vụ phạm pháp hình sự giảm 8,06%, số người chết giảm 13,26%, số người bị thương giảm 12,11%. Một số loại tội phạm giảm và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: mua, bán người giảm 45,07%, số vụ cướp tài sản giảm 24,02%, đánh bạc giảm 12,6%, trộm cắp tài sản giảm 11,13%, giết người giảm 7,26%...Tai nạn giao thông giảm ở cả 03 tiêu chí (giảm 22,07% số vụ, giảm 14,86% số người chết, giảm 26,99% số người bị thương).
 
Mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm trẻ em 637 vụ, tăng 9,26%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.362 vụ, tăng 4,19%, gây rối trật tự công cộng 469 vụ tăng 18,73%. Số vụ giết người tuy có giảm (1048 vụ, giảm 7,26%), tuy nhiên xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ, tăng 20,18% và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh có hiệu quả trong thời gian tới.
 
Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. 
 
Các Đại biểu tiến hành thảo luận trực tuyến về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận làm rõ giải pháp phát huy hiệu quả, khắc phục hạn chế, bày tỏ quan điểm của đại biểu, đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan. 
 
Các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý: đề nghị Chính phủ cần làm rõ số liệu so sánh năm trước để làm nổi bật kết quả đạt được, nguyên nhân hạn chế. Về phiên tòa trực tuyến, là xu thế tất yếu, không trái với đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp các cam kết quốc tế. Dịch Covid – 19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xét xử của ngành Tòa án, thực chất là trực tiếp có ứng dụng công nghệ thông tin. Có đại biểu kiến nghị nên giao Tòa án thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến một số vụ án, sau đó mới triển khai nhân rộng toàn quốc.
 
Ngày mai 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
 
NGUYỆT THU