''Xanh'' - Nam Tây Nguyên (bài 2)

03:10, 11/10/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt ra những bài toán khó hơn về việc cân bằng giữa mục tiêu phòng, chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội...

[links()]
 
Bài 2: Linh động trong thực hiện “mục tiêu kép”
 
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt ra những bài toán khó hơn về việc cân bằng giữa mục tiêu phòng, chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc kiên quyết, kiên trì kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai mục tiêu này. Thực hiện đúng tinh thần đó, Lâm Đồng cũng đã có nhiều giải pháp linh động để thực hiện “mục tiêu kép” hiệu quả.
 
Đà Lạt thời điểm này như một đại công trường song vẫn được đảm bảo tuyệt đối về công tác phòng dịch
Đà Lạt thời điểm này như một đại công trường song vẫn được đảm bảo tuyệt đối về công tác phòng dịch
 
NHỮNG TÍN HIỆU VUI
 
Theo thống kê của UBND tỉnh, đến ngày 10/10, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã phát hiện tại Lâm Đồng là 340 trường hợp. Hiện đã điều trị ra viện 271 trường hợp. Toàn tỉnh đang cách ly 7.894 trường hợp. Số ca mắc nhiều nhất ở thành phố Đà Lạt với 197 ca. Một số địa bàn huyện giáp ranh tỉnh khác vẫn giữ vững an toàn với số ca mắc ít như Cát Tiên 2 ca, Bảo Lâm 1 ca mắc và đặc biệt huyện Lạc Dương vẫn giữ vững không có ca COVID-19 nào trên địa bàn. Vẫn đang còn rất nhiều nguy cơ và thách thức đặt ra cho Lâm Đồng trong việc đạt và giữ màu xanh trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
 
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Toàn tỉnh hiện có 17/17 bệnh viện được đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 - 500 giường tại Trung đoàn Bộ Binh 994, thuộc Bộ CHQS tỉnh đóng tại huyện Đức Trọng, với tổng mức đầu tư 16.955 triệu đồng. 
 
Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực công cộng, cơ quan, đơn vị, khu, cụm công nghiệp, chợ, siêu thị, bến xe...; Lâm Đồng cũng đã triển khai 15 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các địa phương thành lập tổ COVID cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 2.313 tổ COVID cộng đồng với 8.373 người tham gia.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2021 trên 8.421 tỷ đồng, đạt 105% dự toán Trung ương, đạt 91% dự toán địa phương và tăng 25% so cùng kỳ. Lâm Đồng đã thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết 66.547 triệu đồng để dành nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nhiệm vụ cấp bách khác.
 
Từ đầu năm đến nay, ngân sách tỉnh đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là 145 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã tiếp nhận được 73,177 tỷ đồng. Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 năm 2021 - 2022; thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 tỉnh. Việc tiêm vắc xin được triển khai bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế của tỉnh. Đến ngày 22/9/2021, toàn tỉnh đã tiêm 170.012 mũi/232.726 liều vắc xin nhận, đạt 73,1% (trong đó, tiêm mũi 1 cho 122.199 trường hợp và tiêm mũi 2 cho 47.813 trường hợp).
 
Đó là những tín hiệu vui, là cơ sở quan trọng để Lâm Đồng có nhiều quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế và sẵn sàng chuẩn bị cho ngày “bình thường mới”.
 
Nông dân Lâm Đồng sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh
Nông dân Lâm Đồng sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh
 
CHUẨN BỊ CHO NGÀY MAI
 
Lâm Đồng với hai thế mạnh chính là du lịch và nông nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, du lịch sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay lượng khách đến Lâm Đồng chỉ đạt khoảng 2 triệu lượt. Và chính ở thời điểm khó khăn này, nông nghiệp thực sự là cứu cánh. 
 
Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng diện tích gieo trồng đến thời điểm hiện tại đạt gần 338 ngàn ha, tăng 0,54% so cùng kỳ. Trong đó, ngoài cây hàng năm và cây lâu năm, riêng cây lương thực có hạt ước đạt trên 114 ngàn tấn, sản lượng rau các loại 1.513 ngàn tấn, tăng 3,6%; hoa các loại 1.919 triệu bông/cành, tăng 3% so với cùng kỳ. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 62.000 ha (chiếm 20,8% diện tích đất canh tác), trong đó: rau các loại 25.509 ha; hoa các loại 2.193 ha,... Những con số này đủ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh khi có dịch bệnh xảy ra. Song song với đó, việc Lâm Đồng làm tốt công tác quản lý Nhà nước và đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân nên khi dịch bệnh xuất hiện tại các địa phương trong tỉnh không xảy ra chuyện đi tích lũy hàng hóa của người dân. Đặc biệt, với thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, Lâm Đồng còn là địa phương chia lửa, hỗ trợ cho các địa phương khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
 
Khi câu chuyện về dịch bệnh là vấn đề được đề cập mọi lúc mọi nơi, Lâm Đồng không chỉ giải quyết các vấn đề liên quan tới F0, F1, F2…, không chỉ loay hoay với chuyện “lây lan” mà vô tình giam giữ, kìm hãm những tư duy cho sự phát triển. Bởi vậy, bên cạnh việc giữ nhịp phát triển trong nông nghiệp, Lâm Đồng chuyển hướng tập trung cho lĩnh vực xây dựng trên cơ sở chú trọng đảm bảo tốt nhất công tác phòng dịch trên các công trình. Điều này vừa góp phần giải ngân vốn đầu tư công, vừa giải quyết vấn đề cho lực lượng lớn lao động trong ngành này. 
 
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công năm 2021 đã giao 5.264,4 tỷ đồng; ước đến ngày 30/9/2021, khối lượng thực hiện 2.711 tỷ đồng, đạt 51,5% kế hoạch, tăng 4,1%; giải ngân 2.641 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ. Hiện nay, Lâm Đồng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng); Dự án Khu Du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng; Dự án Khu Du lịch hồ Prenn; Dự án Khu đô thị Liên Khương - Prenn; Dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim… đều được đẩy mạnh. 
 
Đặc biệt, tại thành phố Đà Lạt, thời điểm này tỉnh Lâm Đồng đã cho khởi công xây dựng Dự án Đường vành đai TP Đà Lạt và cơ sở hạ tầng các khu dân cư kéo dài trên các phường 3, 4, 5, TP Đà Lạt, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng. Đây là công trình đường bộ cấp III, với tổng chiều dài 7.448 km. Dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị theo tiêu chí của đô thị loại 1, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đô thị TP Đà Lạt với hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP Đà Lạt, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không im lìm, nặng nề bởi không khí của dịch bệnh, thành phố hoa thời điểm này như một đại công trường được bảo đảm tuyệt đối các quy định về phòng dịch. 
 
Đây là sự đón đầu, là công tác chuẩn bị mở hướng cho ngành dịch vụ, du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đây chính là hướng đi vừa thủ, vừa công. Không chỉ tập trung phòng, chống dịch mà phải sẵn sàng cho ngày trạng thái “bình thường mới” được xác lập. Mặt khác, sự chuẩn bị khoác áo mới cho thành phố hoa ấy cũng là sự động viên, khích lệ rất lớn tinh thần trong Nhân dân.
 
Và không chỉ có Đà Lạt, các địa phương khác cũng đã chủ động kịch bản cho sự phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh. Đơn cử như việc giảm diện tích trồng hoa và rau ăn lá, tăng diện tích rau ăn củ là giải pháp của vùng rau Đơn Dương. Việc đưa ra quyết sách đúng đắn của địa phương đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Bản thân các nông hộ cũng đã sẵn sàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xuống giống cho vụ tết - vụ sản xuất lớn nhất trong năm với tinh thần sẵn sàng cho ngày “bình thường mới”.
 
Những hạt giống đã được gieo xuống để sẵn sàng cho sự trỗi dậy tươi xanh.
(CÒN NỮA)
 
NGỌC NGÀ