Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc tại Lâm Đồng

06:10, 27/10/2022
(LĐ online) - Ngày 27/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng - Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
 
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đi kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đi kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà
 
Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai). Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra, về phía tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy.
 
Báo cáo với Đoàn công tác, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT - TKCN) Lâm Đồng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 4 đợt thiên tai (mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, sét đánh); trong đó, có 12 trận mưa lớn, 2 trận mưa đá, 7 trận mưa lớn kèm lốc xoáy, 1 vụ sét đánh làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân. 
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
 
Thiên tai đã làm 1 người chết, 7 người bị thương; thiệt hại 172 căn nhà, 441 ha cây trồng, trôi 0,8 ha ao cá, hư hỏng 6,7 ha nhà kính nhà lưới; hư hỏng 2 cầu, 1 ô tô và 2 xe gắn máy; hư hỏng 4 điểm trường... 
 
Ước tính tổng thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Để sớm khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, tỉnh đã hỗ trợ kịp thời 56,92 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách tỉnh, Quỹ PCTT tại tỉnh góp phần ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho bà con Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu kết luận tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu kết luận tại phiên họp
 
Về việc thực hiện chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai trên địa bàn, tỉnh đã quán triệt và xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài, thực hiện thường xuyên có hiệu quả, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. 
 
Do đó, quá trình triển khai công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh luôn lấy phòng ngừa là chính, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn và nguyên tắc "3 sẵn sàng" nâng cao năng lực xử lý tình huống sự cố, chỉ huy điều hành để phòng ngừa, ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
 
Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu nêu một số kiến nghị của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai.
Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu nêu một số kiến nghị của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai.
 
Ngoài ra, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy các cấp đã chỉ đạo tổ chức, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai. 
 
Cùng với đó, để nâng cao năng lực điều hành ứng phó thiên tai, trong năm 2020, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh đã thực hiện các nội dung bao gồm: Xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, ngập lụt trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc; xây dựng Đề án quản lý hạn hán bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030; lắp đặt 20 trạm đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt trên địa bàn tỉnh; tổ chức điều tra cơ bản về thiên tai, các công trình PCTT…
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại buổi làm việc
 
Đồng thời, tỉnh cũng đã và đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, khoa học vào công tác cảnh báo sớm phòng, chống thiên tai để từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thiên tai tại địa phương các cấp. 
 
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã được tài trợ và đầu tư lắp đặt 56 trạm đo mưa tự động; xây dựng bản đồ số về nguy cơ lũ quét, ngập lụt trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc; xây dựng bản đồ GIS về các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
 
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt về việc xây dựng và củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã từ lực lượng quân sự, lực lượng công an cấp xã, các đoàn thể, lực lượng tại chỗ tại các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai ngay từ đầu tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đa số lực lượng xung kính đều đã được huấn luyện qua khóa dân quân tự vệ có một số kỹ năng cơ bản trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao những nỗ lực, các thành tích trong công tác PCTT - TKCN của tỉnh khi mà Lâm Đồng là một trong những tỉnh luôn bám sát tốp đầu về kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian sắp tới tiếp tục xây dựng lực lượng cơ sở “4 tại chỗ” và tổ chức thực hiện các lớp tập huấn cho các cán bộ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tập huấn các điểm du lịch về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
 
Trong chương trình làm việc tại Lâm Đồng, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đã đi kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà.
 
HƯƠNG LY