Nhiều hoạt động nổi bật của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại Kỳ họp thứ 4

03:11, 16/11/2022
(LĐ online) - Chiều 16/11, thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thông qua Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng thông cáo đến cử tri toàn tỉnh kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
 
Báo Lâm Đồng Online xin lược trích các nội dung đáng chú ý trong thông cáo của đồng chí Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tới cử tri Lâm Đồng.
 
Đồng chí Trần Đình Văn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thông cáo đến cử tri toàn tỉnh kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Đồng chí Trần Đình Văn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thông cáo đến cử tri toàn tỉnh kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
 
QUỐC HỘI THÔNG QUA 6 LUẬT, 14 NGHỊ QUYẾT
 
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn thông tin: Sau 21 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp, đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. 
 
Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác. Cụ thể một số nội dung chính như sau:
 
Thứ nhất, về công tác lập pháp, tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét thông qua 6 luật, gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
 
Quốc hội cho ý kiến về7 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
 
Quốc hội thảo luận, thông qua các Nghị quyết, gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và một số nghị quyết quan trọng khác.
 
Thứ hai, về hoạt động giám sát, trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 3 bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực: xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra. Các vấn đề chất vấn mang tính thời sự, được cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
 
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Các đại biểu Quốc hội nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. 
 
Qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cử tri kiến nghị chưa được các bộ, ngành giải quyết kip thời. Từ đó, có những kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, khẩn trương giải quyết đảm bảo chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri…
 
Thứ ba, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng: Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. 
 
Với 97,19% tổng số Đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng: Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian sớm nhất; Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng; Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam…
 
KỊP THỜI THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC, TẠO THUẬN LỢI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐỊA PHƯƠNG
 
Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, trong thời gian diễn ra kỳ họp, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã trực tiếp làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho sự phát triển của địa phương. Cụ thể, ngày 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là công trình trọng điểm và có ý nghĩa rất lớn về mọi mặt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như cả nước. 
Bên cạnh đó, trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức thảo luận, nghiên cứu, góp ý và tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý đối với các dự thảo luật; tổ chức tiếp xúc cử tri 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh có hơn 1.000 cử tri tham dự với hơn 100 ý kiến phát biểu. Các kiến nghị cử tri được Đoàn kịp thời chuyển tới các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương giải quyết theo quy định.
 
Trong kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia đầy đủ, thảo luận tích cực, đóng góp nhiều ý kiến về công tác xây dựng luật, kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách… với 23 lượt phát biểu, thảo luận tại tổ và chất vấn trực tiếp tại hội trường. Nhiều nội dung thảo luận, ý kiến góp ý có chất lượng, mang tính thực tiễn cao phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri được Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, góp phần vào thành công của kỳ họp.
 
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi gặp mặt và làm việc với Bộ Công an cùng các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tại đây, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công an quan tâm việc cấp giấy tờ tùy thân cho các đồng bào dân tộc thiểu số di dân tự phát đã có nơi ở ổn định tại Tiểu khu 179, 180 của huyện Đam Rông, để bà con khu vực này sớm ổn định cuộc sống và thụ hưởng các chế độ chính sách. 
 
Đồng thời, đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng trụ sở cho lực lượng công an xã và trang bị các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Các đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên trao đổi, có ý kiến về những kiến nghị, đề xuất các vấn đề của địa phương như: quản lý đất đai quốc phòng; nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 27; tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác… để đảm bảo tốt nhất cho công tác an sinh xã hội, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Thông tin tới cử tri và Nhân dân trong tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Văn khẳng định, thành công của kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt, thiết thực hơn, đem hơi thở của cuộc sống vào nghị trường, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
Các đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công kỳ họp.
 
CHÍNH THÀNH (lược ghi)