Hồng phấn bừng sắc giữa phố thị B'Lao

08:04, 14/04/2016

B'Lao những ngày này đượm một màu tím phơn phớt hồng xen lẫn sắc trắng nhẹ của loài hoa có tên Hồng phấn. Từng cánh hoa mỏng manh kết thành những chùm lớn nở rung rinh trong nắng.

Hoa Hồng phấn
Hoa Hồng phấn
B’Lao những ngày này đượm một màu tím phơn phớt hồng xen lẫn sắc trắng nhẹ của loài hoa có tên Hồng phấn. Từng cánh hoa mỏng manh kết thành những chùm lớn nở rung rinh trong nắng. 
 
Cảnh sắc ấy khiến nhịp phố B’Lao bỗng trở nên xôn xao, thêm đôi chút chùng chình và có phần đẹp man mác. Bao người qua đường phải ngẩn ngơ trước loài hoa đẹp, lạ mắt. Có người dừng chân dưới gốc cây trầm trồ khen ngợi. Có người lặng lẽ quan sát. Có người đem theo cả máy ảnh, vừa ngắm hoa vừa bấm máy lia lịa... 
 
Chị Lê Thị Bích Liên (ngụ tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) mới lần đầu tiên đến Bảo Lộc hỏi bâng quơ: “Hoa gì mà nở đẹp quá vậy ta?”. “Mùa hoa trước, tôi có đến đây chụp ảnh, rồi đăng tải lên facebook cá nhân để làm kỷ niệm và để chia sẻ với bạn bè. Tôi đã để trên status lời nhắn, nếu ai biết tên hoa là gì thì chỉ giúp. Nhưng cho đến tận giờ, tôi vẫn... bó tay, chưa biết nó là giống hoa gì”, chị Hoàng Thị Hảo (đường Nguyễn Công Trứ, phường II, TP Bảo Lộc) chân thành. Chị Liên tiếc nuối: “Giá như biết được hoa tên gì thì hay nhỉ!”. 
 
Thực ra hoa có tên gọi là Hồng phấn do ông Hoàng Văn Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc, đặt dựa trên đặc tính sắc diện của hoa. Ở một số nơi như TP. Hồ Chí Minh, TP. Nha Trang..., chắc cũng căn cứ vào hình dáng và màu sắc mà hoa có tên Kèn hồng. Tôi tra Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thấy ghi: cây thân gỗ, gốc gác từ châu Mỹ, có tên khoa học là Tabebuia Rosa. 
 
Theo Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc, năm 2005, Công ty phát hiện Hồng phấn được trồng trong khuôn viên Công ty Việt Nam Thành Công trên đường Bùi Thị Xuân, phường II, TP. Bảo Lộc. Thấy cây nở hoa lạ nên Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc đã xin giống ươm thử. Năm năm sau, tức năm 2010, Công ty gieo ươm thành công 3.000 cây giống và tiến hành trồng thí điểm một vài cây tại UBND phường Lộc Phát. Năm 2013, những cây trồng thí điểm đã bắt đầu cho hoa. Sau khi đánh giá những ưu nhược điểm, TP. Bảo Lộc tiến hành trồng hơn 2.000 cây Hồng phấn ở một số tuyến đường (Nguyễn Công Trứ, Quốc lộ 20, Lý Thái Tổ, Kim Đồng, Bùi Thị Xuân, Lý Thường Kiệt...) và ở Công viên hồ thượng lưu Đồng Nai, khu vực phía Đông hồ Nam Phương. 
 
Đa số những cây này đều phát triển khá tốt và đang cho hoa đẹp đến ngỡ ngàng. Chị Hoàng Thị Hảo cho rằng, đây là một loài hoa đẹp, nếu được phổ biến ở nhiều nơi (công viên, công sở, trường học, tuyến phố...), rất có thể sau này sẽ tạo được dấu ấn trong lòng du khách khi nghĩ về Bảo Lộc, như hình ảnh hoa Phượng đỏ gắn liền với TP. Hải Phòng. 
 
Có cùng quan điểm, nhưng chị Lê Thị Bích Liên lại nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng khác. Chị Lê Thị Bích Liên bày tỏ: “TP. Bảo Lộc nên tính toán trồng xen Hồng phấn với những loại cây khác, nhằm tạo sinh cảnh hài hòa, tránh đi một màu nhàm chán”. 
 
Tôi chưa rõ chủ trương của TP. Bảo Lộc về cây Hồng phấn trong tương lai gần sẽ như thế nào, nhưng sự có mặt của Hồng phấn và một số loại cây khác, như Phượng vàng, Phượng tím, Muồng trâu... trên bước đường phát triển đô thị theo hướng xanh ở quê xứ B’Lao không chỉ đem lại sự đa dạng về các mảnh xanh, mà còn tạo dựng được không gian gần gũi giữa con người với thiên nhiên.
 
TRỊNH CHU