Đà Lạt mùa hoa ban

04:01, 12/01/2017

(LĐ online) - Những ngày qua, người dân Đà Lạt và du khách háo hức chờ đón ngày hội hoa anh đào. Những năm trước, vào giờ này, anh đào đã rực rỡ khắp phố phường nhưng năm nay thời tiết chẳng chiều lòng người nên anh đào vẫn ngủ say. Điều này khiến ban tổ chức không khỏi "đau đầu", còn người yêu hoa thì trong tâm trạng thấp thỏm, sốt ruột. Tuy nhiên có mùa hoa khác đã lặng lẽ về trên phố, đó là hoa ban.

(LĐ online) - Những ngày qua, người dân Đà Lạt và du khách háo hức chờ đón ngày hội hoa anh đào. Những năm trước, vào giờ này, anh đào đã rực rỡ khắp phố phường nhưng năm nay thời tiết chẳng chiều lòng người nên anh đào vẫn ngủ say. Điều này khiến ban tổ chức không khỏi “đau đầu”, còn người yêu hoa thì trong tâm trạng thấp thỏm, sốt ruột. Tuy nhiên có mùa hoa khác đã lặng lẽ về trên phố, đó là hoa ban.
 
Hoa ban Đà Lạt
Hoa ban Đà Lạt
“Hoa ban nở thành người con gái Thái. Đám mây bay trong thau nước gội đầu”*. Nhắc tới hoa ban là nhắc tới mảnh đất Tây Bắc huyền thoại cùng câu chuyện tình yêu giữa nàng Ban và chàng Khum. Nàng Ban xinh đẹp, dịu dàng yêu chàng Khum chăm chỉ, tốt bụng nhưng bố mẹ nàng quyết gả con gái cho con trai nhà tạo mường, vừa lười nhác lại bị gù lưng. Trong bước đường cùng, nàng chạy sang nhà Khum cầu cứu nhưng Khum đang theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn buộc chiếc khăn piêu vào cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi mãi, gọi mãi đến kiệt sức rồi chết. Nơi nàng nằm xuống sau này mọc lên một thân cây cao lớn, vào mùa xuân nở ra những chùm hoa trắng muốt. Còn chàng Khum, khi về nhà biết chuyện chẳng lành cũng vội vã đi tìm người yêu, chàng đi hết mường này, bản khác đến khi sức tàn, lực kiệt rồi gục xuống, biến hành loài chim sống lẻ loi, vào mùa xuân bay tới đậu trên những cành hoa ban hót lên những giai điệu khắc khoải, buồn bã. Trong tiếng Thái, ban có nghĩa là ngọt ngào, trong trắng và hoa ban chính là biểu tượng của tình tình yêu ngọt ngào, trong sáng, thủy chung.
 
Ở Đà Lạt, ban được trồng cách đây khoảng hơn chục năm, tập trung trên những con đường như Quang Trung, Trần Phú, Hải Thượng. Dẫu số lượng khá khiêm tốn nhưng vì hợp thổ nhưỡng nên phát triển rất nhanh, nơi trồng ban cũng là những tuyến đường trung tâm, có vị trí đắc địa nên loài cây này có điều kiện phô diễn vẻ đẹp và dễ gây sự chú ý với người đi đường. 
 
Nếu anh đào nhuộm màu hồng kiêu sa, dã quỳ vàng rực sưởi ấm mùa đông, phượng tím rắc lên màu của nỗi nhớ thì ban phủ lên phố màu trắng tinh khôi, dịu dàng, tươi trẻ. Màu trắng hoa ban cũng là màu của sương, của mây, của cánh cò và đàn bướm trắng, nghĩa là tượng trưng cho những gì thân thuộc, trong trẻo. Rõ ràng, sự có mặt của hoa ban đã góp phần làm phong phú thêm màu sắc cho phố hoa và đong đầy cảm xúc cho người yêu hoa.
 
“Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi. Như hoa ban chỉ nở lúc sang mùa”*. Mùa ban nở cũng là thời khắc chuyển giao giữa mùa Đông và mùa Xuân. Là kết thúc những tháng ngày co ro, lạnh giá, cằn cỗi để bước sang mùa hoan ca, sinh sôi, tươi mới và ấm áp. Ngắm hoa ban không chỉ thấy mùa xuân phơi phới đang về mà còn gợi lên trong ta những hình dung đẹp đẽ về một vùng đất xa xôi, “nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt”, “nơi sông Đà vặn mình rung núi”; “ngọn gió kéo mặt trời qua dốc”; “khiến khèn Mèo làm suối cứ băn khoăn”*… 
 
Dẫu không được tụng ca, chào đón nồng nhiệt, dẫu chỉ lặng lẽ đơm bông nhưng với Đà Lạt, hoa ban chính là sứ giả của một vùng đất, góp thêm hương sắc cho mùa xuân và không bao giờ lỗi hẹn.
 
*Thơ Trần Mạnh Hảo
 
Tản văn của Vũ Đình Đông