Tường rào trong cõi nhớ

03:06, 27/06/2018

(LĐ online) - Mỗi buổi sáng, trên đường đi làm, tôi thường mê mải ngắm những tường rào của nhà vườn, biệt thự Đà Lạt. Vòng xe quay đều, dãy tường rào lướt qua trước mặt và lòng tôi như áng mây bay về phía chân trời cũ. Tôi nhớ bao vùng đất từng qua, nơi có những tường rào đã in vào trí nhớ. 

(LĐ online) - Mỗi buổi sáng, trên đường đi làm, tôi thường mê mải ngắm những tường rào của nhà vườn, biệt thự Đà Lạt. Vòng xe quay đều, dãy tường rào lướt qua trước mặt và lòng tôi như áng mây bay về phía chân trời cũ. Tôi nhớ bao vùng đất từng qua, nơi có những tường rào đã in vào trí nhớ. Trên cao nguyên Đồng Văn mênh mông, xám ngắt, điệp trùng đá tai mèo. Người Mông, Lô Lô, Hà Nhì nhặt đá xếp thành bờ rào. Những viên đá cuội, đá tảng rời rạc, lăn lóc, méo mó, kích cỡ không đồng đều, cũng chẳng cần vật liệu liên kết nào nhưng qua bàn tay khéo léo của con người, những bờ rào vẫn cứ mọc lên như bức tường thành vừa mềm mại vừa vững chãi. Không chỉ có tác dụng đánh dấu, phân chia ranh giới, bảo vệ cho những ngôi nhà, bờ rào đá thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của con người giữa thiên nhiên khắc nghiệt.
 
Tường rào ngập tràn hoa lá ở Đà Lạt
Tường rào ngập tràn hoa lá ở Đà Lạt

Một số làng gốm cổ ngoài miền Bắc như Vân Đình, Phù Lãng, Bát Tràng… người dân thường dựng tường rào bằng cách tận dụng các mảnh vỡ của chum, vại. Đặc biệt là tường rào xây từ vô số tiểu sành hỏng xếp chồng lên nhau. Qua thời gian, màu men hòa lẫn màu rong rêu tạo nên lớp thời gian dài thăm thẳm. Đi dưới những tường rào ấy, tưởng như đang đi trong hầm mộ, vào cõi hư vô. Chợt nhận ra con người ở đây dường như giác ngộ rất sâu về cõi nhân sinh. Với họ, cái chết cũng nhẹ nhàng, đơn giản nên có thứ tưởng cần chỉ cần cho cái chết thì vẫn cần cho sự sống. 
 
Quê tôi, người dân trồng dâm bụt, cúc tần, chè tàu (hay chè mạn) làm hàng rào. Ngày thường, hàng rào mọc um tùm, cành lá vươn ra tứ phía, hoa nở tưng bừng nhưng vào dịp Tết, nhà nào cũng cắt tỉa, vun vén thành những bờ rào vuông vức, gọn gàng, thẳng tắp. Thủa bé, bên bờ rào, tôi cùng lũ bạn rủ nhau bày trò đánh trận giả, trốn tìm, đuổi bắt, hái hoa mút mật, kết hoa thành vòng đội lên đầu làm đám cưới. Nắm tay “cô dâu” đi dưới bờ rào hoa đỏ, trong tiếng hò reo của lũ bạn cởi trần, đầu để chỏm và tiếng pháo nổ lốp bốp bằng cọng tàu lá chuối, bỗng thấy lòng lâng lâng vui sướng, thầm ước sau này lớn lên, sẽ có một đám cưới đẹp cùng một cô dâu xinh như thế. 
 
Thời gian như nước chảy qua cầu. Đôi khi về quê, thấy những bờ rào hoa xanh đã bị thay thế bởi tường xi măng, tường gạch, rào sắt, mặt tường ken dày dây thép gai, chông sắt, mảnh chai tua tủa, sắc nhọn, gợi cảm giác xa cách, nặng nề, lạnh lẽo, bất an. Thấy lòng hụt hẫng giống như vừa bị mất đi một điều gì thân thuộc, quý giá. Cô dâu của tôi ơi, giờ em ở phương nào? Em còn nhớ tường rào ngày xưa cùng “chú rể” là tôi thủa ấy? 
 
Cũng may, khoảng trống ấy được bù đắp phần nào khi ở Đà Lạt ta còn gặp những tường rào trong cõi nhớ. Quanh các biệt thự cổ trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Quang Trung và những nhà vườn, nhiều tường rào thời gian đã phủ rong rêu nhưng luôn có sức quyến rũ kỳ lạ. Hầu hết tường rào ở đây đều thấp, thậm chí có cái chỉ cao quá đầu gối người lớn, giúp tầm nhìn luôn thông thoáng. Tuy nhiên, mỗi tường rào lại có kiểu dáng khác biệt, thể hiện rõ trên kiến trúc từ cột đến song rào. Hoa văn các song rào rất đa dạng, từ hình rẻ quạt, tia mặt trời, bông hoa đến các họa tiết hình học. Nhiều tường rào được đúc, chạm cầu kỳ nhưng cũng có cái chỉ đơn giản làm bằng các thanh bê-tông ghép lại với nhau. Các tường rào luôn có khoảng lùi nhất định so với lề đường, hai bên chừa không gian để trồng hoa và cây xanh, tạo nên tổng thể hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Ở một số công trình, tường rào lại chỉ bằng cây xanh được trồng và chăm chút một cách tinh tế, tạo cảm giác nhẹ nhàng, tươi mát. 
 
Bên tường rào xưa, ta còn gặp những mùa hoa bất tận của Đà Lạt. Mai anh đào tinh khôi, cẩm tú cầu rực rỡ, thanh anh tím biếc, tường vi kiêu sa, loa kèn nồng nàn hương thơm…Có khi, tường rào chỉ có các loài hoa dại tìm về nương náu như bìm bìm, dã quỳ, bồ công anh nhưng vẻ đẹp của chúng cũng làm ta xao xuyến. 
 
Có lẽ không quá khi nói rằng, tường rào là chỉ dấu văn hóa của một vùng đất, phản ánh tri thức, thẩm mỹ, tính cách của con người và cao hơn là trình độ phát triển của cộng đồng, xã hội. Khi quan sát tường rào “nguyên bản” của Đà Lạt một thời, ta thấy dường như chức năng chia cắt không gian, bảo vệ của tường rào đã bị triệt tiêu. Lúc này, tường rào chỉ đóng vai trò là dấu hiệu xác định ranh giới, một phần quan trọng của kiến trúc và cảnh quan, góp phần bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp và sự sang trọng cho các không gian sống. Khi ngắm những tường rào ấy, ta cảm nhận rõ thẩm mỹ tinh tế, tình yêu thiên nhiên, tính cách thân thiện của người Đà Lạt và hơn thế là nét đặc sắc, vượt trội của phong cách đô thị Đà Lạt. Đó cũng chính là một phần di sản, nét văn hóa độc đáo của Đà Lạt cần gìn giữ, phát huy. 
 
Bài, ảnh: Vũ Đình Đông