Vua Duy Tân cho thành lập thị xã Lâm Viên

04:11, 30/11/2011

Vào tháng 3 năm Duy Tân thứ 10 năm Bính Thìn tức năm 1916, thiết lập thị xã Lâm Viên. Sách Đại Nam chính biên đệ lục kỷ phụ biên mà bản chép tay được khởi thảo từ năm1922, được hoàn thành muộn nhất trong khoảng 1941-1942, tuy nhiên do nhiều biến cố lịch sử bản này vẫn chưa được khắc in.

Vào tháng 3 năm Duy Tân thứ 10 năm Bính Thìn tức năm 1916, thiết lập thị xã Lâm Viên. Sách Đại Nam chính biên đệ lục kỷ phụ biên mà bản chép tay được khởi thảo từ năm1922, được hoàn thành muộn nhất trong khoảng 1941-1942, tuy nhiên do nhiều biến cố lịch sử bản này vẫn chưa được khắc in. Hiện nay ở Đà Lạt trong kho lưu trữ quốc gia IV cũng không có bản này. Bộ sách này được ghi chép từ thời Vua Thành Thái cho đến đời Vua Duy Tân mà bản viết tay này mới được tìm thấy bên Pháp, gồm 29 quyển với hơn 1.700 trang. Tuy nhiên sách Địa chí Lâm Đồng lại cho rằng: Ngày 20-4-1916, Hội đồng Nhiếp chính Vua Duy Tân ra Dụ thành lập tại vùng Lang Bian trung tâm đô thị (centre urbain) Đà Lạt. Chính vì vậy chúng tôi xin cung cấp nguyên văn đoạn ghi chép này trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.
 
Hoàng hôn Đà Lạt. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Hoàng hôn Đà Lạt. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây là một tư liệu quý mà từ trước đến nay chưa được công bố, mới đây cuối năm 2011 tác giả Cao Tự Thanh đã dịch và giới thiệu được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ ấn hành, trong cuốn sách này chúng tôi phát hiện có một số tư liệu quý ghi chép về việc thành lập thị xã Lâm Viên cũng như việc đặt tri huyện người Việt ở tỉnh Lâm Viên, bên cạnh đó là 2 sắc lệnh về việc lập tỉnh Đồng Nai Thượng.

Đầu tiên là việc thiết lập thị xã Lâm Viên, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, điều 2032 cho biết. Lúc đầu vì địa thế Lâm Viên rộng rãi, khí hậu mát mẻ, tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc, đã đặt riêng làm một tỉnh. Lúc ấy nghĩ đặt thêm ở xứ Đà Lạt một thị xã và dinh thự nhà cửa, cùng công sảnh biện sự Đông Dương đều lần lượt xây dựng, còn nhân dân như ai muốn tới ở đất quan phòng quanh thành, xây dựng nhà cửa làm ăn sinh sống cũng cho, chuẩn theo lời nghị mới tuân hành.
   
Ngày 1-11-1899, Toàn quyền Paul Doumer ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Bian. Nội dung có đoạn viết, căn cứ sắc lệnh ngày 21.4.1891 và sắc lệnh ngày 16.9.1899 về việc tổ chức nhân sự ở các ban dân sự của Đông Dương. Căn cứ nghị định ngày 25.12.1898 cho phép xây dựng một hệ thống đường sắt ở Đông Dương, đặt ở Annam một khu hành chính được chỉ định dưới tên Đồng Nai Thượng, bao gồm lưu vực từ phía trên Đồng Nai tới biên giới với Nam Kỳ và Lào.
   
Tiếp đó lại bắt đầu đặt tri huyện người Việt ở tỉnh Lâm Viên. Lúc đầu là Khâm sứ đại thần Charles bàn nói Lâm Viên trước đây lệ vào tỉnh Bình Thuận, án kiện do tỉnh ấy xử đoán. Nay Lâm Viên đã đặt riêng thành một tỉnh, việc từ tụng hình chính ắt phải định rõ thể lệ ngõ hầu tiện tuân theo. Bèn bàn nghĩ đặt một tri huyện người Việt ở tỉnh mới Lâm Viên phối hợp với tri huyện người Man đã đặt để giúp đỡ Trú sứ tỉnh ấy. Phủ Phụ chính tâu lên, chuẩn cho thi hành. Bên cạnh đó chuẩn bàn cấp cho tri huyện người Việt ở tỉnh Lâm Viên ấn kiếm đều một quả ấn khắc chữ Lâm Viên Nam Tri Huyện.

Như vậy có thể thấy rằng, sách Đại Nam chính biên đệ lục kỷ phụ biên đã có những ghi chép cụ thể về việc đặt tri huyện người Việt đầu tiên cho tỉnh lỵ mới Lâm Viên cùng với chỉ dụ của Vua Duy Tân cho thành lập thị xã Lâm Viên ở xứ Đà Lạt. Đây không chỉ là một bằng chứng cụ thể chính thống của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã quan tâm đến việc thiết lập ở Tây Nguyên một tỉnh lị sầm uất, mà qua tư liệu này có thể thấy được Đà Lạt là nơi mà các Vua nhà Nguyễn cũng đã từng để ý tới.

NGUYỄN HUY KHUYẾN