Đồng bào thôn 3 không còn "khát nước"

09:04, 27/04/2016

Những năm qua, không kể mùa mưa hay mùa khô, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thôn 3, xã Gia Hiệp (Di Linh) thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như sản xuất của người dân.

Những năm qua, không kể mùa mưa hay mùa khô, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thôn 3, xã Gia Hiệp (Di Linh) thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như sản xuất của người dân. Nhưng từ mùa khô này, bà con rất vui mừng, phấn khởi vì đã có nước sinh hoạt đến tận nhà và không còn cảnh lao đao trong việc tìm nước sinh hoạt như trước kia, nhất là trong mùa khô hạn.
 
Thôn 3 (hay còn gọi là Bòn Liang) là thôn thuộc diện khó khăn của xã Gia Hiệp. Toàn thôn hiện có 199 hộ, trong đó hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 80%. Do địa chất phức tạp nên việc đào, khoan giếng lấy nước sinh hoạt ở khu vực này hết sức khó khăn. Những năm trước đây, hầu hết bà con đều sử dụng nước mưa và dùng nước giếng đào gần đồng ruộng cách xa nhà khoảng từ 100 - 200 mét, chất lượng nguồn nước cũng không đảm bảo vệ sinh. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân và tổ chức từ thiện cũng đã đầu tư nhiều giếng đào, giếng khoan nhưng do đất pha cát, đào xong rồi lại bị sập.
 
Năm 2013, hộ ông Đào Minh Thông và bà Vũ Xuân Quỳnh Như đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng để đào giếng lấy nước sinh hoạt. Bà Như cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng thường xuyên đi chở nước về sinh hoạt rất vất vả, nên quyết tâm đào giếng. Ở khu vực này đất sét pha cát, nên nhiều người đào giếng bị sập rồi bỏ. Riêng giếng của gia đình tôi có độ sâu 30 mét và được gia cố bằng ống cống xi măng nên không bị sập. Mặt khác, do đào trúng mạch nước ngầm, nên nhiều năm nay giếng này không chỉ đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình mà còn dùng để chống hạn cho cây trồng. Thấy bà con khó khăn trong việc tìm nước sinh hoạt, vợ chồng tôi đã làm việc với thôn để chia sẻ nguồn nước, giúp bà con mình đỡ phải vất vả hơn”.  
 
Nhờ giếng nước của bà Vũ Xuân Quỳnh Như, năm 2015, từ nguồn ngân sách của địa phương, huyện Di Linh đã đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt trạm bơm điện, đường ống, tháp nước, bồn chứa 5.000 lít và lắp đặt đồng hồ nước đến 94 hộ dân. “Từ khi có công trình nước sinh hoạt này, bà con chúng tôi rất phấn khởi và không còn cảnh lo lắng mỗi khi tìm nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Có nước bà con chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất” - anh K’Lộc nói.
 
Mọi năm cứ đến mùa khô hạn, bà con trong buôn lao đao đi gùi, chở nước từ dưới đồng ruộng. Riêng năm nay, tuy hạn hán kéo dài hơn so với mọi năm nhưng đồng bào thôn 3, xã Gia Hiệp không còn lo lắng  cảnh “khát nước” sinh hoạt như trước kia.
 
Anh K’Brah, trưởng thôn 3, xã Gia Hiệp hồ hởi: “Trước đây, bà con chúng tôi thường xuống dưới hục gần cánh đồng để lấy nước sinh hoạt rất vất vả. Nhưng từ năm 2015, nhờ giếng nước của vợ chồng chị Như và sự đầu tư của các cấp chính quyền địa phương, đến nay bà con chúng tôi không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt như trước kia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 30 hộ thiếu nước và có nhu cầu sử dụng, vì vậy, bà con mong muốn Nhà nước cần đầu tư thêm một bồn chứa và lắp đặt đường ống, đồng hồ nước cho các hộ này”.
 
NDONG BRỪM