Những chàng nài ngựa dẫn khách

09:06, 16/06/2016

Tưởng chừng nghề nài ngựa phục vụ khách du lịch chỉ dành riêng cho đấng mày râu trạc tuổi, nhưng ở Khu du lịch Lang Biang (Lạc Dương) cũng lắm thanh niên, thiếu niên thế hệ "9x,10x" dạn dĩ với nghề…

Tưởng chừng nghề nài ngựa phục vụ khách du lịch chỉ dành riêng cho đấng mày râu trạc tuổi, nhưng ở Khu du lịch Lang Biang (Lạc Dương) cũng lắm thanh niên, thiếu niên thế hệ “9x,10x” dạn dĩ với nghề…
 
9 tuổi nhưng Kră Tăn Quân đã điều khiển thành thạo chú ngựa dũng mãnh nhất Lang Biang
Kră Tăn Quân đã điều khiển thành thạo chú ngựa dũng mãnh nhất Lang Biang
Tên đầy đủ của “gã” nài ngựa là Nguyễn Văn Phúc, đen nhẻm, tóc quăn già dặn hơn so với cái tuổi 24. Khởi nghiệp chỉ với 80 nghìn đồng tiền xe khách, Phúc lên Lang Biang học nghề nài ngựa trong vòng một tuần và được chủ ngựa “biên chế” vào đội phục vụ khách du lịch. Tiền phòng trọ, ăn uống, ngốn hết một nửa trong số tiền 4 triệu đồng/tháng nhận được. Còn 2 triệu đồng, Phúc tự thưởng cho mình vài chầu cà phê, còn lại gửi về Lâm Hà để giúp đỡ gia đình. Phúc tâm sự: “1 triệu đồng gửi về mà bố mẹ em mừng ra mặt anh à. Đi đâu cũng khoe cả, con nhà nghèo mà”. 
 
Phúc phân tích cho tôi lý do tại sao lại chọn cái nghề theo chân những chú ngựa, dạo đó Phúc lên Lang Biang du lịch theo kiểu “ta-ba-lô”, chần chừ mãi bên đám ngựa ở đây vì hai lý do: một không có tiền để leo lên lưng của nó đi quanh Lang Biang, hai là thấy thích thú kỳ lạ với loại động vật thích tốc độ này. Chủ ngựa mời mọc mãi cũng chán, đuổi thì không lịch sự, hỏi chơi rằng có thích làm nài ngựa rồi dẫn khách du lịch ngao du không. Một cái gật đầu không chần chừ, thế là vào nghề, tính đến nay đã được 4 năm có lẻ. 
 
Nghe chuyện vào nghề, tôi cười, Phúc cũng cười hì hì: “Em nói rồi đó, viết báo thì được chứ tung lên face là không ổn anh à. “Comments” lung tung là em mất mặt với cả nhà lắm”.
 
Trưa Lang Biang đầy nắng và gió. Phúc nhảy xuống ngựa, giới thiệu về những đồng nghiệp của mình. Đây là Păng Ting Quyêl, năm nay tròn 16 tuổi, người địa phương Lạc Dương này luôn. Kia là Kră Tăn Quân, đã nghỉ học và theo gót những chú ngựa ở miệt núi rừng này.  
 
Phúc giải thích những từ lóng theo kiểu “teen” cho tôi: Nhiêu cuốc là bao nhiêu chuyến đi, nhiêu nháy là bao nhiêu khách leo lên lưng ngựa chụp hình, trang điểm là chải chuốt ngựa cho sạch sẽ. Còn vô vàn từ ngữ của cư dân 9x khác mà nghe qua thấy khó hiểu. 
 
Nài ngựa trẻ tuổi Păng Ting Quyêl mạnh dạn trao đổi: Em mới vào nghề, gần 2 năm. Trước đi học nhưng chữ nghĩa hơi kém, đành theo nghề “gia truyền” này, bố em cũng làm nghề này nhưng ông nghỉ rồi, giao cương lại cho lớp trẻ. 
 
Cái khó nhất của người làm nghề này là phải có sức khỏe, chịu đựng được công việc luôn ở ngoài trời và điều này thì lớp trẻ hơn hẳn nhưng người trạc tuổi. Còn kinh nghiệm điều khiển ngựa thì có thể học dần dần, điều tiên quyết là phải hết sức yêu thương chúng vì ngựa là loại động vật rất thông minh và biết nghe lời của chủ nhân. 
 
Păng Ting Quyêl “tiếp thị” về bữa ăn của ngựa: “Này nhé, mỗi con ngựa phục vụ khách du lịch phải cho ăn mật mía, cám ngô, cám gạo, trứng vào buổi sáng, tối đến thì phải hai bao tải cỏ non. Tính sơ sơ ăn một ngày hết 40 đến 50 nghìn đồng đấy. 
 
Vài câu chuyện vui buồn được những nài ngựa trẻ tuổi kể với ngôn từ hết sức dân dã. Phúc kể: Em về thăm quê, đến nhà bạn gái chơi, bố cô bé hỏi làm nghề gì. Em bảo làm việc liên quan đến giấy tờ trên thành phố, ông chau mày ngó nghiêng khắp người. Rồi bảo rằng trông mày giống cái thằng dắt ngựa ở Lang Biang lắm, tao xem trên truyền hình vài hôm trước, chỉ khác là thiếu chiếc mũ cao bồi thôi. Em nhanh miệng đáp rằng hôm ấy nghỉ phép nên vào chơi, được lên truyền hình là nhảy vào đóng thế luôn ấy mà.
 
BÙI ĐỨC TÚ