Người "cởi trói" tục thách cưới

09:09, 20/09/2018

Nói có sách, mách có chứng, ông dẫn tôi đến những gia đình mà mình đã trực tiếp "cởi trói" cho họ sợi dây ràng buộc của tục thách cưới để đôi lứa được hạnh phúc và nhất là góp phần đẩy lùi hủ tục. 

Nói có sách, mách có chứng, ông dẫn tôi đến những gia đình mà mình đã trực tiếp “cởi trói” cho họ sợi dây ràng buộc của tục thách cưới để đôi lứa được hạnh phúc và nhất là góp phần đẩy lùi hủ tục. 
 
Ông K Long Ba (bìa phải) hỏi thăm chuyện làm ăn của các chàng rể thôn mình theo “diện” không thách cưới. Ảnh: Đ.T
Ông K Long Ba (bìa phải) hỏi thăm chuyện làm ăn của các chàng rể thôn mình theo “diện” không thách cưới. Ảnh: Đ.T

Thách cưới là một hủ tục tồn tại lâu đời trong đời sống hôn nhân của đồng bào dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng. Thách cưới đã và đang là gánh nặng của phụ nữ dân tộc thiểu số, cản trở rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
 
Thôn Ta Ly 2 (xã Ka Đô, Đơn Dương) có 111 hộ, 503 nhân khẩu. Thôn có đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số này từng một thời phải chịu cám cảnh thách cưới. Nhà gái phải “oằn” mình để lo những khoản để đôi lứa có thể chung một mái nhà. 
 
Ông K Long Ba (1954) là Bí thư Chi bộ thôn Ta Ly 2. Tuy tuổi đã ngoại lục tuần nhưng đôi chân còn nhanh nhẹn như con nai, con hoẵng giữa đại ngàn. Gặp bà Ma Tao, ông giới thiệu về trường hợp được ông tạm gọi là giúp tư vấn hôn nhân và gia đình. 
 
Bà Ma Tao kể: Ngày đó con gái mình chuẩn bị lấy chồng, nhà trai thách cưới, gia đình mình khó khăn nên khó mà chu toàn mọi thứ, thấy vậy ông K Long Ba đã trực tiếp đến nhà trai, gặp mọi thành viên trong gia đình để giải thích, vận động. 
 
Ông K Long Ba mường tượng lại: Lúc đầu căng lắm, rất khó nói vì bao đời nay đã thế rồi. Họ nhà trai ban đầu cũng không ủng hộ, lại cho mình như thế này thế nọ. Nhưng quả thật là nhà gái họ khó khăn, trong khi đó đôi lứa bén duyên bén rễ với nhau mà mình lại vì lý do này để chia lìa thì tội nghiệp lắm.
 
Rồi ông tiếp tục thay đổi cụm từ “bao đời nay vẫn thế” bằng cụm từ “thời đại văn minh”. Ông nói với gia đình nhà trai rằng thời đại văn minh, hôn nhân phải dựa trên tình yêu đôi lứa, phải được pháp luật công nhận, chứ không nhất thiết phải dựa trên lễ lược, sính lễ. Bây giờ đôi trẻ còn nghèo thật nhưng chúng có bàn tay, khối óc rồi chúng sẽ làm ăn, sinh con đẻ cái, có một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
 
Thế là mọi chuyện ổn thỏa, đôi trẻ về chung một mái nhà. Làm ăn kinh tế khấm khá, cho đến bây giờ họ vẫn thầm biết ơn K Long Ba. 
 
Rồi chuyện một đôi lứa khác. Đôi lứa này là chuyện của ngay bà con anh em nhà ông K Long Ba. Quả thật, gia đình anh em ông cũng khó khăn về kinh tế, cháu gái ông sắp lấy chồng, họ nhà trai cũng yêu cầu thế này, thế nọ. Thế là ông lại một phen đi vận động gia đình họ nhà trai. 
 
Cả hai họ chung một ý kiến. Ai có bao nhiêu thì cho con chừng ấy, không đòi hỏi. Cuối cùng, chung quy lại bên nào cũng nghèo nên của hồi môn chẳng là bao.
 
Anh K Phương, nhân vật chính, là cháu rể của ông, lấy cháu gái của ông K Long Ba tâm sự: Ngày đó nhờ chú K Long Ba quá, nếu không có chú ấy thì bây giờ không biết vợ chồng mình đi đến đâu nữa. Lúc đầu mình mới về nhà vợ, cái gì cũng bắt đầu bằng con số không nhưng nhờ cần cù chịu khó nên bây giờ khấm khá, đỡ vất vả hơn nhiều rồi. 
 
Không chỉ vận động họ nhà trai nơi khác, ngay chính trong thôn của mình, ông K Long Ba cũng tích cực vận động bên nhà trai nên bỏ tục thách cưới đi. Quan trọng là hạnh phúc của đôi lứa. Ông lấy ví dụ ngay chính những chàng rể của thôn mình, những chàng rể không tục thách cưới nhưng bây giờ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhà cửa khang trang, con cái học hành tử tế.
 
Vận động được nhiều đôi lứa, gia đình không tục thách cưới nhưng điều mà ông K Long Ba trăn trở nhất là khi đôi lứa đã được “cởi trói” tục thách cưới thì mình lại phải tiếp tục vận động họ làm ăn, phát triển kinh tế.
 
K Long Ba phân trần: Mình vận động được không tục thách cưới là chuyện đầu tiên thôi, điều quan trọng là tiếp tục vận động họ làm ăn kinh tế, vợ chồng hòa thuận, sinh sống hạnh phúc. Điều mà tôi lo ngại nhất chính là khi mình đã vận động được không tục thách cưới mà quên đi đời sống hôn nhân, gia đình thì dễ xảy ra phản ứng nghịch lắm. Khi đó các đôi lứa khác sẽ lấy điều đó mà phản bác lại mình, rồi họ cho rằng không thách cưới nên mới xảy ra chuyện đó thì gay go lắm. 
 
Trong căn nhà mới xây khang trang, anh K Phương là minh chứng rõ ràng nhất cho những chàng rể của thôn Ta Ly 2 này về việc không tục thách cưới. Bằng nghị lực của đôi vợ chồng trẻ ngày nào, đến nay anh đã xây dựng được căn nhà trị giá trên 300 triệu đồng, thoát khỏi cám cảnh nghèo đói. 
 
Nếu như tình yêu được cho rằng là của ông tơ bà nguyệt xe duyên thì ngay tại thôn Ta Ly 2 này, đôi lứa lại gọi ông K Long Ba bằng cái tên trìu mến: người “cởi trói” tục thách cưới.
 
Ð.TÚ