Đơn Dương không ngừng tăng thu nhập bình quân đầu người

08:10, 12/10/2018

Từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người. Đó cũng là đích đến để huyện Đơn Dương đạt tiêu chí về thu nhập của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) giúp tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người. Đó cũng là đích đến để huyện Đơn Dương đạt tiêu chí về thu nhập của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Phát triển cây rau thương phẩm đem lại thu nhập cao cho người dân Đơn Dương. Ảnh: H.Y
Phát triển cây rau thương phẩm đem lại thu nhập cao cho người dân Đơn Dương. Ảnh: H.Y
Thay đổi vùng dân tộc thiểu số 
 
Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở Đơn Dương còn cao do trình độ canh tác, sản xuất manh mún, lạc hậu, nhưng đến nay ngay cả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều hộ tiếp cận ứng dụng công nghệ và phát triển diện tích rau, hoa ứng dụng NNCNC. Xã Tu Tra với hơn 64% là đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào cây lúa một vụ và bắp cho thu nhập thấp. Song với việc triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất NNCNC trên địa bàn xã giai đoạn 2016 - 2020, đã nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, tổng diện tích trồng rau, hoa theo mô hình NNCNC trên địa bàn xã là trên 4.000 ha. Trong đó, diện tích nhà kính, nhà lưới là 93,67 ha, diện tích phủ bạt 1.405 ha, diện tích tưới tự động là 1.800 ha, diện tích trồng hoa là 114,9 ha. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. 
 
Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã Tu Tra đạt 39 triệu đồng thì đến nay đã lên 56,9 triệu đồng/hộ/năm. 
 
Tương tự, xã Pró với hơn 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Pró đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Đặc biệt là thực hiện tốt hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Từ chỗ gần 100% diện tích nông nghiệp trồng lúa, đến nay hầu như bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển đổi sang trồng rau màu. Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Pró đã giảm đáng kể,  thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,5 triệu đồng/năm năm 2010, đến năm 2018 thu nhập bình quân đầu người tăng lên 40 triệu đồng/năm.
 
Tăng 9,2% thu nhập 
 
Không chỉ chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà huyện Đơn Dương còn tập trung phát triển đồng bộ trên địa bàn toàn huyện. 
 
Số liệu thống kê cho thấy, diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng NNCNC đến nay của Đơn Dương đạt 9.650 ha, chiếm 84% diện tích canh tác rau toàn huyện; trong đó sản xuất trong nhà kính, nhà lưới là 1.090 ha.
 
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai các chương trình, dự án trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện như khuyến nông đầu tư 850 triệu đồng, trợ giá giống cây trồng 470 triệu đồng,... xây dựng kế hoạch tái canh cây cà phê chè - catimor 37,5 triệu đồng; chương trình nâng cao chất lượng giống cây trồng 200 triệu đồng… Cùng đó, thực hiện đề án phát triển bò thịt chất lượng cao 100 triệu đồng, đàn bò sữa 165 triệu đồng và chương trình NNCNC 597,6 triệu đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Bé, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, kinh tế huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Toàn huyện có khoảng 80% số hộ có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp nên việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện chủ yếu phát triển cây rau, bởi cây rau chiếm diện tích lớn trong sản xuất NNCNC và là cây trồng có lợi thế so sánh hơn các cây trồng khác, từ đó nâng giá trị sản phẩm trên một diện tích, ổn định thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh việc phát triển cây rau thương phẩm, huyện Đơn Dương đã tập trung phát triển một số cây đặc sản và cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời,  trong 3 năm qua, đã chuyển đổi khoảng 608 ha diện tích lúa, bắp và cây trồng khác kém hiệu quả chuyển sang trồng rau thương phẩm, nâng diện tích gieo trồng rau thương phẩm cả năm là 11.307 ha, chiếm 58% đất sản xuất nông nghiệp. Hiện giá trị thu nhập trong tái cơ cấu sản xuất rau NNCNC đạt bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt có mô hình rau, hoa đạt 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm. Có thể nhận thấy, chỉ trong vòng 3 năm qua (từ năm 2016 - 2018), thu nhập bình quân đầu người ở Đơn Dương không ngừng tăng  qua từng năm: Năm 2016 đạt 53 triệu đồng/người/năm, năm 2017 đạt 58,02 triệu đồng/người/năm và 6 tháng đầu năm 2018 đạt 63 triệu đồng/người/năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Qua đó, toàn huyện hiện còn 699 hộ nghèo, chiếm 3,01%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 399 hộ, chiếm tỷ lệ 6,34% theo chuẩn mới.
 
HOÀNG YÊN