Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ở làng hoa Ðà Lạt

08:10, 02/10/2018

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật  trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho làng hoa Thái Phiên ô nhiễm nghiêm trọng. Qua đó, nhiều biện pháp được đưa ra nhằm khuyến khích người dân sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thu gom vỏ bao thuốc BVTV đúng nơi quy định đã phần nào làm cho môi trường sạch hơn. 

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho làng hoa Thái Phiên ô nhiễm nghiêm trọng. Qua đó, nhiều biện pháp được đưa ra nhằm khuyến khích người dân sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thu gom vỏ bao thuốc BVTV đúng nơi quy định đã phần nào làm cho môi trường sạch hơn. 
 
Cứ 3 ngày người dân lại phải phun thuốc BVTV cho cây hoa cúc. Ảnh: H.Y
Cứ 3 ngày người dân lại phải phun thuốc BVTV cho cây hoa cúc. Ảnh: H.Y

Hơn 200 triệu đồng xịt thuốc BVTV/ha/năm
 
Thành phố Đà Lạt nổi tiếng là vùng sản xuất rau, hoa lớn của cả nước với diện tích đất sản xuất trên 10.500 ha, trong đó có 50,4% diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đặc biệt là trồng rau hoa. Bên cạnh những giá trị kinh tế đóng góp cho sự phát triển của thành phố, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang gây ra rất nhiều những vấn đề hệ lụy về môi trường. 
 
Bà Nguyễn Thị Thêu (Tập đoàn 6, Phường 12) cho biết, gia đình bà có 3 sào nhà kính trồng hoa cúc, nhưng những năm gần đây dịch bệnh hoành hành đã khiến cho năng suất hoa giảm hơn một nửa, và  nếu như trước đây 1 sào hoa cúc thu về được 70 thùng bông thì nay chỉ còn 25-30 thùng. Để cứu vớt hoa cúc bị bệnh, bà đã sử dụng nhiều biện pháp trong đó có sử dụng thuốc BVTV. Bà Thêu nói: “Cứ 3 ngày là hoa cúc phải xịt một lần, 1 tháng xịt 10 ngày, đó là hoa không bị bệnh, xịt để phòng ngừa, còn nếu thấy hoa xuất hiện bệnh thì hầu như ngày nào cũng phải xịt. Mặc dù biết là thuốc độc nhưng cũng phải làm, vì mình là người nông dân trồng hoa đã có truyền thống lâu đời, giờ cũng chưa biết chuyển đổi qua cây gì, rau thì thu nhập thấp, thị trường bấp bênh trong khi gia đình còn có con cái học hành”.
 
Chung quan điểm này, theo ông Võ Văn Thanh (xóm Sân Banh, Tổ 45, Phường 12), cúc là loại cây mẫn cảm với các loại sâu bệnh nên việc sử dụng thuốc BVTV là không tránh khỏi. Ông chia sẻ, gia đình có gần 1 ha đất trồng hoa cúc, nếu lỡ mà không phun thuốc là lập tức bị sâu hại, các loại nấm tấn công ngay, coi như mùa hoa mất trắng. Cây trồng xuống là bắt đầu phải xịt thuốc. Cứ trung bình 3 ngày ông tốn khoảng 1,5 triệu đồng cho vườn hoa cúc của gia đình. Mỗi năm chi phí vào khoảng 200 triệu đồng/ha cho chỉ riêng thuốc BVTV. Dẫu biết là xịt thuốc trong nhà độc hại cho sức khỏe nhưng không làm thì lấy gì ăn, có ảnh hưởng môi trường thì cũng chịu thôi chứ biết sao giờ.
 
Theo ghi nhận, hiện diện tích canh tác nông nghiệp của Phường 12 là 460 ha, trong đó hoa 360 ha, nếu xịt thuốc định kỳ, nay nhà này xịt, mai vườn khác xịt, cứ thế xoay vòng thì chúng ta có thể hiểu là bầu không khí ở Phường 12 không lúc nào là không có  mùi thuốc BVTV.
 
Bên cạnh ô nhiễm do lạm dụng thuốc BVTV, mỗi năm làng hoa Thái Phiên còn thải ra môi trường hàng trăm tấn rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, điều này về lâu dài làm cho môi trường bị ô nhiễm. 
 
Theo quan sát của phóng viên, bao bì thuốc BVTV sau khi được người dân sử dụng chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định, chủ yếu tự chôn lấp, đốt, bỏ chung với rác thải sinh hoạt hoặc vứt bỏ xuống mương suối. Vì thế, chỉ sau một trận mưa lớn, ngay lập tức các hồ chứa như hồ Than Thở,  hồ Xuân Hương, hồ Mê Linh lại ngập tràn rác thải, chai nhựa, vỏ thuốc BVTV…
 
Sản xuất hoa thân thiện môi trường
 
Ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND Phường 12 cho biết, Thái Phiên là vùng  chuyên canh cây hoa lâu nay, đặc biệt là cây hoa cúc. Trong khi đó, hoa cúc là loại hoa háo thuốc nên hằng năm người dân sử dụng thuốc BVTV vô cùng lớn, mà đặc thù ở Thái Phiên là khu dân cư lại bị toàn bộ khu sản xuất bao quanh ôm trọn, điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. 
 
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh quan do việc xử lý không đúng cách, đặc biệt là chấm dứt tình trạng vứt bỏ bừa bãi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng xuống mương suối và nơi công cộng, TP Đà Lạt đã triển khai “Dự án thu gom rác thải nông nghiệp” tại Thái Phiên và hoạt động có hiệu quả rõ rệt. Qua đó, phường đã cho lắp đặt 100 bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng dọc hai bên đường vùng sản xuất nông nghiệp 400 ha. 
 
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho hay: Theo ghi nhận thống kê, việc sản xuất rau trong nhà kính giảm 30% lượng phân và thuốc BVTV, còn đối với hoa không những không giảm mà còn tăng lên rất nhiều. Lý do là hệ thống thiên địch không có, nhà kính không đạt chuẩn đã làm cho bọ trĩ, các loại nấm hoành hành. Bên cạnh đó, hầu hết những diện tích nhà kính cũ của thành phố Đà Lạt đều không đủ tiêu chuẩn, mang tính chất chỉ là nhà che mưa, gió chứ chưa thật sự được áp dụng công nghệ cao, do đó hoạt động sản xuất, sử dụng thuốc BVTV của người dân sẽ ngay lập tức tác động đến môi trường. 
 
Để thay đổi tập quán canh tác của người dân là vô cùng khó, vì xưa nay họ đã quen trồng hoa cúc… Trên địa bàn thành phố Đà Lạt, việc người dân sử dụng quá nhiều thuốc BVTV đã có tác động rất lớn đến môi trường. Việc khuyến khích người dân sử dụng những loại thuốc có nguồn gốc sinh học, nuôi thả thiên địch cũng sẽ làm giảm bớt việc sử dụng thuốc BVTV.
 
HOÀNG YÊN