Cần lan tỏa hơn nữa phong trào chống rác thải nhựa

07:07, 05/07/2019

Rác thải nhựa từ lâu đã được khẳng định là loại rác thải để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường vì  khó phân hủy...

Rác thải nhựa từ lâu đã được khẳng định là loại rác thải để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường vì khó phân hủy. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 1 chai nhựa đựng nước uống hàng ngày có thể tồn tại trong lòng đất đến 10 thế kỷ mà không bị phân hủy. Và ngay cả khi chúng đã bị phân rã cũng chưa bị loại trừ hoàn toàn mà có thể theo các dòng nước, tiếp tục lưu lạc ở đâu đó, thậm chí có thể ra tận ngoài đại dương vào một ngày nào đó.
 
Đà Lạt lắp đặt nhiều bảng cảnh báo phạt các hành vi vi phạm về xả rác nơi công cộng, trong đó có cả bằng cách ghi hình. Ảnh: N.Thi
Đà Lạt lắp đặt nhiều bảng cảnh báo phạt các hành vi vi phạm về xả rác nơi công cộng, trong đó có cả bằng cách ghi hình. Ảnh: N.Thi
 
Phải khẳng định rằng, trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều các sản phẩm làm từ nhựa như bao nilon, hộp xốp, ly nhựa, ống hút nhựa, áo mưa nilong… là những sản phẩm vô cùng tiện ích, giá cả lại rẻ nên chúng rất phổ biến và đang rất được ưa chuộng trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, mọi gia đình. Tuy nhiên, với những đặc tính khó phân hủy như vậy, nên việc các sản phẩm nhựa dùng một lần tích tụ trong tự nhiên sẽ để lại những hậu quả vô cùng to lớn và lâu dài cho sức khỏe con người và hệ sinh thái của trái đất.
 
Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã bắt đầu hình thành ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa và cùng kêu gọi cộng đồng chung tay thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một số quán cà phê, quán ăn ở Đà Lạt bắt đầu thay các sản phẩm nhựa một lần bằng những sản phẩm dễ phân hủy, gần gũi thiên nhiên hoặc những sản phẩm dùng nhiều lần để hạn chế ô nhiễm môi trường. Quán cà phê Là Việt (Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt) có lẽ là một địa điểm tiên phong trong hạn chế sử dụng đồ nhựa. Quán gần đây đã thay các loại ống hút bằng nhựa bằng ống hút thân thiện với môi trường hơn, dù chi phí cho loại ống hút mới này đắt tiền hơn. Các sản phẩm bao bì đóng gói sản phẩm cà phê của Là Việt cũng chủ yếu dùng các chất liệu bằng sợi vải, bao bố, giấy các loại. 
 
Còn tại Siêu thị Big C, theo ghi nhận của phóng viên cũng đã bắt đầu chú trọng đến bao bì đóng gói thân thiện với môi trường. Một số sản phẩm hàng ngày như rau, củ thay vì đóng gói bằng nilong hay cột bằng dây nilong như trước đây thì một số đã được thay thế dần bằng dây chuối, cỏ và bó bằng lá chuối.
 
Ngay tại Chợ Đà Lạt, một số tiểu thương nhỏ lẻ bán rau củ và trái cây cũng bắt đầu hình thành ý thức thay thế các bao bì, dây cột rau củ bằng nhựa gây ô nhiễm môi trường bằng các loại dây cột thân thiện môi trường như cỏ tranh, lá chuối, dây gai…
 
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có rác thải nhựa nhiều nhất thế giới
 
Theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm 2019, mỗi năm các đại dương trên thế giới đang phải hứng chịu từ 8 đến 9 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này cao hơn 33 lần so với các dự đoán trước đây. Có tới hơn phân nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.

Ðà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng, lượng khách du lịch đến thành phố mỗi năm tăng trung bình 10%. Các hoạt động du lịch ở Ðà Lạt hầu hết gắn liền với thiên nhiên nên việc bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng và ngày càng trở nên cấp thiết. 

Tuy nhiên, hiện các phong trào kêu gọi người dân và du khách hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, bảo vệ môi trường nói chung vẫn chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ mà chưa có tổ chức chính thống nào phát động bài bản, bền bỉ, gây được tiếng vang để lôi kéo sự chú ý và tham gia tích cực của đông đảo cộng đồng xã hội, qua đó thúc đẩy ý thức của mọi người tích cực hơn nữa.
 
Tại Đà Lạt, có nhiều nhóm hoạt động tự phát cũng đã lập group kêu gọi mọi người cùng hạn chế dùng các sản phẩm nhựa một lần gây hại môi trường và tổ chức các buổi kêu gọi cùng chung tay thu gom rác thải ở những nơi hẻo lánh trong rừng. Họ cũng viết những bài viết kêu gọi khách du lịch, người dân thay vì dùng những hộp xốp hay nhựa hãy sử dụng các hộp cơm làm bằng bã mía hoặc mang theo hộp cơm cá nhân khi đi picnic, cắm trại trong rừng.
 
Anh Phạm Anh Dũng - một nhiếp ảnh gia, một người làm du lịch ở Đà Lạt cho biết, nhóm Người Đà Lạt của anh mới đây thông qua sự tự nguyện đóng góp của mọi người đã lắp đặt một số thùng rác có 2 ngăn để phân loại rác tại một số tuyến đường trung tâm thành phố. Nhóm cũng thường xuyên tổ chức kêu gọi du khách và người dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường và hạn chế dùng rác thải nhựa một lần, nhất là khi vào rừng picnic. 
 
Tuy nhiên, theo anh Dũng, để phong trào này mạnh mẽ hơn, người dân hiểu và ý thức cao hơn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể xã hội. Chính quyền nên tổ chức vận động, tuyên truyền, khuyến cáo các cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa tiện dụng một lần. Mỗi người, mỗi nơi, mỗi đơn vị ý thức một chút thôi, thì chúng ta sẽ cùng chung tay hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa. 
 
Phong trào này cũng đang được nhiều người dân quan tâm. Chị Kim Hồng, Phường 3, Đà Lạt chia sẻ: Con trai với con gái tôi, đứa đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, đứa đang học lớp 11 tại Đà Lạt, 3 tháng trước về nhà đã nói với ba mẹ là nhà mình nên hạn chế dùng túi ni lông, áo mưa tiện lợi và các sản phẩm nhựa một lần để chung tay bảo vệ môi trường. Nghe con giải thích thấy đúng quá nên 2 vợ chồng tôi cũng nghe lời con, từ đó cứ đi chợ là tôi mang theo chiếc túi thân thiện môi trường mua ở siêu thị big C để đựng đồ chung và để từ chối lấy bịch nilong của người bán lẻ, cách này vừa tiết kiệm lại vừa góp phần bảo vệ môi trường. 
 
Tuy nhiên, theo chị Hồng, hiện nay do thói quen sử dụng bịch nilong ăn sâu vào nhiều người buôn bán lẻ nên cũng khó từ chối hết được. “Ngày xưa đi chợ, mua miếng thịt heo người ta lấy giấy hoặc lá chuối, lá khoai bọc lại giao mình bỏ vào giỏ. Giờ không có lá, không có giấy nên họ buộc phải lấy bịch ni lông gói thịt, tiện cho mình nhưng về môi trường sống lại rất gây hại. Nếu cùng thay đổi được thói quen chung của mọi người, mỗi người đều ý thức và hiểu hơn về rác thải nhựa đối với môi trường thì sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta trong việc lựa chọn khi đi chợ” - Chị Hồng nói.
 
Quả thật, để lan tỏa rộng rãi ý thức và những hành vi này rất cần tới các hoạt động tuyên truyền hiệu quả và những chiến dịch hành động với quyết tâm cao từ phía các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể xã hội của tỉnh. Cùng với những nỗ lực của các cá nhân đang tự thay đổi hành vi và vận động người thân, bạn bè cùng thay đổi với mình thì việc hạn chế rác thải nhựa sẽ đạt được những kết quả nhất định.
 
NGUYÊN THI