Ka Thanh Quý giữ vốn quý văn hóa truyền thống

06:01, 20/01/2020

Trước nguy cơ bí quyết ủ rượu cần truyền thống bị thất truyền, mai một, thời gian qua, cô gái K'Ho Ka Thanh Quý ở vùng sâu xã Sơn Điền (Di Linh) đã tiếp nối truyền thống gia đình ủ rượu cần với mong muốn gìn giữ vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 

Trước nguy cơ bí quyết ủ rượu cần truyền thống bị thất truyền, mai một, thời gian qua, cô gái K’Ho Ka Thanh Quý ở vùng sâu xã Sơn Điền (Di Linh) đã tiếp nối truyền thống gia đình ủ rượu cần với mong muốn gìn giữ vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 
 
Sau khi ủ, các ché rượu cần được đặt ở những nơi thoáng mát và gần bếp lửa. Ảnh:N.Brừm
Sau khi ủ, các ché rượu cần được đặt ở những nơi thoáng mát và gần bếp lửa. Ảnh:N.Brừm
 
Sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, do chưa có việc làm ổn định, nên chị Ka Thanh Quý (sinh 1995) ở nhà phụ giúp gia đình, chăm lo, phát triển kinh tế. Ngoài lên nương chăm sóc cây cà phê, thời gian rảnh rỗi chị Quý chịu khó dành thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về cách thức, các công đoạn ủ rượu cần ngay từ chính người mẹ của mình. “Lúc đầu, thấy mẹ thỉnh thoảng vẫn ủ rượu cần để cung cấp cho một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã. Hơn nữa, bản thân tôi cũng muốn giữ lại cách tạo ra men quý, để bí quyết gia truyền không bị thất lạc, mai một, nên tôi quyết tâm theo đuổi ủ rượu cần”, chị Ka Thanh Quý tự hào.
 
Chị Ka Thanh Quý cười nói thêm, do hồi nhỏ theo chân mẹ lên rừng tìm hái lá, đào rẻ, củ một số loại cây rừng để làm men; phụ giúp mẹ ngâm gạo, nấu cơm, giã men, trộn men… từ đó, đã “gieo” vào tâm thức của mình ý thức được những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
 
 Phải khẳng định rằng, hiện nay, ở nhiều bon làng người K’Ho còn rất ít phụ nữ biết tạo men rượu cần được làm từ sản vật tự nhiên, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi đa phần thanh niên đồng bào dân tộc Kơ Ho thời nay cũng hay chạy theo lối sống “hiện đại”, mà chưa ý thức sâu sắc, biết trân quý, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống trước xu thế hội nhập. 
 
Bà Ka Thanh Huyền (mẹ Ka Thanh Quý) cho biết, trước đây phụ nữ người Kơ Ho ai ai đều buộc phải biết làm rượu cần, mỗi người, mỗi nhà đều đúc kết kinh nghiệm và có bí quyết riêng. Việc ủ rượu cần của gia đình bà Huyền ngày nay cũng dựa theo bí quyết gia truyền đã được đời ông bà truyền lại qua nhiều thế hệ con cháu… Men được làm từ sản vật tự nhiên sẽ tạo nên hương vị thơm, ngon và thời gian ủ càng lâu thì chất lượng sản phẩm càng ngon. “Để làm ra một ché rượu cần đòi hỏi người làm phải thực hiện hết sức kỳ công và trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: lên rừng tìm lá, rẻ, củ cây rừng, ngâm gạo, giã gạo, nặn thành viên tròn, trấu sạch… rồi ủ ít nhất 3 ngày đêm; khi đã lên men đưa lên giàn bếp phơi khoảng 1 tuần để cho men cứng và chín. Cùng với đó, tiến hành làm vệ sinh sạch sẽ ché bằng cách dùng nước nóng trùng qua và lấy lá mía, lá rừng chà sạch rồi mang ra phơi nắng trong thời gian 7 ngày rồi mới đem ủ. Sau khi trộn cơm nguội với men và trấu sạch, cho vào ché rồi lấy túi nilon bịt kín miệng và đặt nơi thoáng mát, gần bếp lửa, khoảng 3 tháng sau là có thể dùng được”, bà Ka Thanh Huyền cho hay.
 
Chị Ka Thanh Quý cho biết, muốn rượu cần đảm bảo chất lượng, thơm, ngon và an toàn cho sức khỏe của người dùng, thì trước tiên nguồn men phải chuẩn; hầu như 100% nguyên liệu đều lấy từ nguồn tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng vật phẩm men công nghiệp. Men được làm từ sản vật thiên nhiên luôn có chất lượng hơn và khác hoàn toàn so với men công nghiệp; nó có hương vị đặc trưng, thơm ngon, nước rượu cần có màu gần giống như rượu vang, mật ong, màu hổ phách; còn men công nghiệp có nước màu vàng chanh, đục như nước gạo, không có mùi thơm và khi uống có vị nhạt.
 
Do sinh sống ở vùng đất được bao bọc bởi núi rừng, nên chị Ka Thanh Quý có những thuận lợi nhất định trong việc đi tìm nguyên liệu làm men “men rừng”, tuy nhiên chị cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm; do men chủ yếu được làm bằng phương pháp thủ công, một số công đoạn đòi hỏi phải có bàn tay những người khỏe mạnh, nên chị Quý vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự phụ giúp của gia đình. Mặt khác, việc tìm mua lu “ché” vẫn còn nhiều khó khăn…
 
Sau hơn một năm hoạt động, lúc đầu chỉ làm với quy mô nhỏ và sản phẩm làm ra chỉ cung cấp cho những người có nhu cầu trên địa bàn xã. “Trong năm qua, do khách hàng đặt hàng nhiều, nên tôi đã mở rộng thị trường trong toàn huyện và cung cấp cho một số bạn bè ở TP Hồ Chí Minh. Đến nay, chị Quý đã cung cấp cho thị trường khoảng 150 ché rượu chất lượng với giá bán 500 ngàn đồng/ché. 
 
Nguyên liệu chủ yếu của rượu cần là gạo và men từ lá cây rừng… nên sản phẩm rượu cần của chị Quý luôn được khách hàng gần xa đánh giá cao và yêu thích. Để từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, trong thời gian tới, chị Ka Thanh Quý có ý tưởng sẽ dựng lại ngôi nhà sàn truyền thống để trưng bày các sản vật văn hóa Kơ Ho và cung cấp rượu cần truyền thống cao nguyên Di Linh.  
 
NDONG BRỪM