Khắc phục khó khăn để tiến tới BHXH và BHYT toàn dân

06:06, 05/06/2020

Ngay từ đầu năm, UBND huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị phát triển đối tượng để giao nhiệm vụ và triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT của năm.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị phát triển đối tượng để giao nhiệm vụ và triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT của năm.
 
Người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại UBND Phường 4, Đà Lạt
Người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại UBND Phường 4, Đà Lạt
 
Tích cực tuyên truyền, vận động, mở rộng mạng lưới đại lý 
 
Toàn tỉnh hiện có 475 điểm thu bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN), BHYT. Trong đó: đại lý thu của UBND xã, phường, thị trấn là 131 đại lý với 324 nhân viên tại 216 điểm thu; đại lý thu của hệ thống Bưu điện có 143 điểm thu với 168 nhân viên; đại lý thu BHYT của các hội đoàn thể là 22 đại lý với 143 nhân viên tại 116 điểm thu. Hệ thống đại lý thu đã đáp ứng nhu cầu tham gia BHXHTN, BHYT của người dân tại các thôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Trong năm 2019, BHXH tỉnh phối hợp ngành Bưu điện Lâm Đồng tổ chức 232 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp tại các tổ dân phố, thôn xóm và tổ chức 2 đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXHTN, bảo hiểm y tế hộ gia đình (BHYT HGĐ) trên địa bàn toàn tỉnh, với kết quả đã vận động được 5.770 người tham gia BHXHTN, trên 2.000 người tham gia BHYT HGĐ.
 
Năm tháng đầu năm 2020 ngành BHXH tỉnh đã tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các điểm dân cư, vận động được 116 người tham gia BHXHTN, 1.815 người tham gia BHYT. Đồng thời, phối hợp tổ chức phát trên sóng truyền hình tỉnh 111 lần và 37 lần trên hệ thống phát thanh với chuyên mục “Tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT”, chuyên mục “Lâm Đồng với chính sách BHXH, BHYT”. BHXH tỉnh đã phát hành 84.000 tờ gấp, 145 đĩa CD, 2.500 bìa kẹp, treo 245 băng rôn, tổ chức 24 đợt xe loa tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân; đưa hàng trăm tin, bài hoạt động của ngành và của các địa phương về thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
 
Trong tháng 5/2020, BHXH Lâm Đồng và Bưu điện tỉnh đã tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn toàn tỉnh tham gia BHXHTN, BHYT HGĐ, qua 2 ngày ra quân đã phát triển được 956 người tham gia BHXHTN và 771 người tham gia BHYT HGĐ. 
 
Tập trung phát triển đối tượng
 
Năm 2019 dân số trong tỉnh tham gia BHXH là 94.977 người, đạt độ bao phủ BHXH 12,5%; vượt 0,9% với 6.837 người so với kế hoạch giao. Trong đó, có 88.102 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 3,48% so với năm 2018) và có 6.875 người tham gia BHXHTN (tăng 224,9% so với năm 2018).
 
Dân số tham gia BHYT có 1.134.347 người (bao gồm lực lượng công an và thân nhân sỹ quan quân đội), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 87,3% (vượt 1% chỉ tiêu về độ bao phủ với 13.019 người). Riêng học sinh sinh viên (HSSV) có 266.923 em tham gia BHYT, đạt 98,44% tổng số HSSV toàn tỉnh (so với năm 2018 tăng 6.773 người), đạt tỷ lệ cao so với các năm trước (năm 2015 đạt 81,5%; năm 2016 đạt 86,13%; năm 2017 đạt 94%; năm 2018 đạt 97,7%) và cao hơn mức bình quân chung cả nước. 
 
Năm 2019, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, trong đó một số địa phương có nhiều giải pháp hay. Tuy vậy, còn 4 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT gồm: Đà Lạt còn thiếu 0,88% so với kế hoạch giao, tương đương 1.990 người; Lâm Hà còn thiếu 0,35%, tương đương 499 người; Bảo Lộc còn thiếu 0,62%, tương đương 983 người; Đam Rông còn thiếu 3,16%, tương đương 1.719 người.
 
Trong 5 tháng đầu năm 2020, dân số trong tỉnh tham gia BHXH là 88.241 người (giảm 6.805 người so với năm 2019), chiếm 11,23% lực lượng lao động của tỉnh (gồm: BHXH bắt buộc là 82.066 người, giảm 6.105 người so với năm 2019 và tham gia BHXHTN là 6.175 người, giảm 700 người so với năm 2019); còn thiếu 1,52% độ bao phủ BHXH với 11.945 người so với chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020. 
 
Dân số tham gia BHYT có 1.084.657 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,81% (giảm 49.690 người so với năm 2019); còn thiếu 94.180 người so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. 
 
Riêng HSSV tham gia BHYT đạt 95,19% so tổng số HSSV toàn tỉnh, còn 12.974 HSSV chưa tham gia, trong đó có một số trường có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT còn thấp. 
 
Giải quyết chế độ BHXH, BHYT kịp thời
 
Hàng năm, BHXH tỉnh và cấp huyện luôn kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong năm 2019, ngành đã giải quyết hưởng chế độ BHXH, BHTN cho 60.074 trường hợp; so với năm 2018 tăng 1,37% với 814 lượt người thụ hưởng số tiền 1.759.474,5 triệu đồng; thanh toán BHYT cho 2.258.661 lượt người với số tiền là 1.088.566 triệu đồng, so với năm 2018 số tiền chi khám chữa bệnh BHYT tăng 9,4% với 93.652 triệu đồng. Trong đó: Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) tại tỉnh là 2.146.384 lượt người với số tiền chi phí là 704.312 triệu đồng, so với năm 2018 chi phí KCB tăng 5,79% với 37.914 triệu đồng. Thanh toán chi phí KCB BHYT đa tuyến đi ngoài tỉnh cho 112.277 lượt người với tổng số tiền là 384.254 triệu đồng. So với dự toán chi KCB BHYT được Chính phủ giao năm 2019 vượt 5,6% với 37.870 triệu đồng.
 
Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết hưởng chế độ BHXH, BHTN cho 60.074 trường hợp với số tiền 202.221 triệu đồng (không bao gồm số chi hưởng thường xuyên); thanh toán BHYT cho 700.740 lượt người với số tiền là 242.560 triệu đồng.
 
Khắc phục những tồn tại, hạn chế
 
Để tiến tới BHXH và BHYT toàn dân cần khắc phục những tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn thấp so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Cả nước hiện có trên 15.774 triệu người tham gia BHXH (BHXH bắt buộc là 15,2 triệu người, BHXHTN là 574 nghìn người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi); tham gia BHTN trên 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); tham gia BHYT là 85,945 triệu người, đạt 90% dân số (vượt 1,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg).
 
Một số địa phương trong tỉnh mặc dù hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT nhưng không bền vững do phụ thuộc nhiều vào nhóm đối tượng hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình (HNLCMSTB). Năm 2019, có 79.356 người thuộc hộ NLCMSTB tham gia BHYT, tăng 34.947 người so với năm 2018. 
 
Trong khi đó, số người tham gia BHYT HGĐ là nhóm đối tượng tham gia bền vững tăng chậm. Năm 2019, có 246.494 người tham gia BHYT HGĐ, tăng 18.516 người so với năm 2018.
 
Hoạt động tuyên truyền về BHXH, BHYT được chú trọng thực hiện nhưng chưa sâu rộng đến người lao động và người dân, chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên sâu rộng ở các cộng đồng dân cư. Chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người dân; thời gian chờ đợi để khám, chữa bệnh của người dân chưa được khắc phục; một số cơ sở khám, chữa bệnh còn chậm cải thiện về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm trong KCB. 
 
Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động (ĐV SDLĐ) còn thấp, hiệu quả chưa cao. Các địa phương vẫn chưa quan tâm trong kiểm tra các ĐVSDLĐ có dấu hiệu trốn đóng BHXH, đóng không đầy đủ cho người lao động. Công tác kiểm tra liên ngành về việc chấp hành Luật BHXH gắn liền với quyết toán thuế hàng năm còn hạn chế, do vậy số lao động được giảm trừ thuế cao hơn nhiều so với số người lao động tham gia BHXH (riêng năm 2018, có 2.883 đơn vị với 27.727 người lao động chưa đăng ký tham gia BHXH).
 
AN NHIÊN