Về lại với người S'Tiêng

05:08, 31/08/2020

Tôi trở lại xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên sau gần một phần tư thế kỷ. Xưa, tôi ngồi bậc cửa nhà sàn nhỏ cùng già Điểu K'Giang hồi hộp ngóng bóng Tê giác Java từ rừng ra uống nước...

Tôi trở lại xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên sau gần một phần tư thế kỷ. Xưa, tôi ngồi bậc cửa nhà sàn nhỏ cùng già Điểu K’Giang hồi hộp ngóng bóng Tê giác Java từ rừng ra uống nước. Giờ thì con Pai ro mhai (con Tê giác mà người S’Tiêng thường gọi) không còn nữa, nhưng già K’Giang vừa xây xong ngôi nhà khang trang, hòa trong tươi sắc “nông thôn mới” của vùng đất cách tỉnh lỵ Lâm Đồng khoảng 220 km… 
 
Bình yên Thôn 4
Bình yên Thôn 4
 
Chạy xe máy trên đường 721 nhựa bóng láng nhưng tôi không thể quên chuyến hành trình xưa vô cùng gian khổ. Đó là năm 1996, tôi và 3 kiểm lâm viên Đinh Phong Trang, Nguyễn Đức Hướng, Hoàng Văn Gạo cùng về với đồng bào S’Tiêng. Không có đường bộ, lên “ốc đảo” này phải bằng thuyền máy ngược sông Đồng Nai. Bồng bềnh với lòng sông đêm buốt lạnh. Điểm đến đầu là thôn Bù Khiêm, dân gọi là Bàu Chim vì vùng sình nép bên vách núi bà con trồng lúa, rất nhiều chim về. Người S’Tiêng ở thôn Bù Khiêm lúc đó chỉ có 8 hộ với hơn 50 người, giờ tăng lên 17 hộ với 80 người. Ông Điểu K’Giang từng là Huyện đội phó Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, giờ không còn làm thôn trưởng, nhưng là đối tượng chính sách. Hồi đó, ông và ông Điểu K’Mười tiên phong tạo lập cuộc sống gia đình từ cây điều, lúa nước, trên dưới mười con bò, có cả máy tuốt lúa, tivi, cas-sette… Tôi nhớ mãi đêm ở nhà Thôn trưởng Điểu K’Giang. Rất đông người ăn mặc đẹp đến chung vui cần rượu thơm. Hơn 22 giờ, trăng lung linh mê hoặc, nhịp cầu thang đưa tiễn mọi người về, Điểu K’Mười đi thả diều. Phong tục truyền thống của người S’Tiêng thể hiện lúc con người đã thăng hoa, cánh diều và tiếng sáo đung đưa phiêu linh, đất giao hòa với trời, người giao hòa với vạn vật hữu linh... Tôi cũng may mắn được gặp già làng Điểu K’Chá. Ông lắng trầm như pho tượng. Bắt chuyện một lúc ông mới mở lời kể về “Bù Khiêu của ông bà”. Thời của hồng hoang, thú và chim sống quanh con người. Đồi T’rung Pa, đồi Gia Prê, đồi Pang Ă… còn rất nhiều loài gỗ quý, sum suê. Do bom Mỹ, do lâm tặc, cây gỗ không còn, giữa đồi trọc lồ ô ngoi lên thay thế. Điểu K’Chá trống rỗng, ngưng kể và với cây đàn Đinh Kdúi. Ông chống đàn giữa sàn nhà, không hát, mắt để ngoài sân nắng, tay gẩy 6 sợi dây. Tiếng đàn gần xa, “tình” “tình” đến nao lòng… Đêm thứ nhất trong ba đêm tôi sống với người S’Tiêng như thế. 
 
***
 
Lãnh đạo xã Phước Cát 2, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mai Bảo Xuyên và Phó Chủ tịch UBND xã Trương Văn Xã cung cấp cho tôi nhiều thông tin về “xã nông thôn mới” cán đích cuối năm 2017. Vui với các anh, tôi đề nghị vào Thôn 3 và Thôn 4 sớm để hiểu hơn cuộc sống của người S’Tiêng trong bức tranh tươi mới ấy. Điểu K’Ru là Bí thư Thôn 4, Thôn Đội trưởng, cán bộ y tế thôn bản làm người dẫn đường. Thật sự khó hình dung bởi hồi xưa, từ trung tâm huyện lên 2 thôn này chúng tôi phải qua 30 km bằng thuyền và xuồng, tiếp tục đi bộ hơn 10 km, xuyên rừng và leo những lối dốc 47 độ trong hai giờ mới thấu. Không có tăng cường hỗ trợ từ 3 kiểm lâm bán chuyên trách Điểu K’Minh, Điểu K’Vơn, Điểu K’Trang chắc chuyến đi bất thành. Giờ tôi và Điểu K’Ru mỗi người một xe máy bon bon trên đường thảm nhựa và bê tông. Quãng đường từ trụ sở xã đến Thôn 4 dài 25 km, chỉ còn 5 km giữa Vườn Quốc gia là làm bằng đất. Tôi chuyển nguyện vọng từ Điểu K’Ru trao đổi với Phó Chủ tịch, phụ trách UBND huyện Cát Tiên - anh Nguyễn Hoàng Phúc. Anh trả lời: “Huyện đã có kế hoạch đầu tư dứt điểm đoạn đường còn lại này trong năm nay rồi. Anh thấy đời sống bà con trong đó thế nào?”. “Ồ, thay đổi quá, thật là mừng!”, tôi nói.
 
Sắp tới, 5 km cuối cùng đường vào Thôn 4 sẽ được đổ bê tông
Sắp tới, 5 km cuối cùng đường vào Thôn 4 sẽ được đổ bê tông
 
Niềm vui không chỉ con đường ô tô thấu Thôn 3 và Thôn 4 mà cơ ngơi hạ tầng cơ sở thực sự ngỡ ngàng. Điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, cùng đó là xe máy, ti vi, máy tính và thậm chí có tủ lạnh như gia đình vợ chồng Điểu K’Ru (sinh năm 1980) và cô giáo Điểu Thị Dru’ (sinh năm 1988). Cả hai thôn đều có phân trạm y tế, phân trường mầm non, tiểu học của trường đạt chuẩn quốc gia. Trẻ em học lên THCS và THPT được cử đi học trường nội trú huyện. Lần trước tôi vào, giáo viên Nguyễn Danh Thắng chỉ mới học xong 6 tháng sư phạm, còn Hồ Xuân Hải chưa qua sư phạm. Giờ thì thầy cô đều 100% đạt trình độ chuẩn theo mốc trước tháng 7 năm 2020. Tôi đã gặp các thầy Phan Gia Lợi, Nguyễn Xuân Trà, Nguyễn Quang Thạc đang “cắm bản” một năm tại Thôn 4, phụ trách 19 học sinh với 3 lớp. Cũng còn nhiều gian khó và thiếu thốn nhưng các thầy huy động 100% trẻ học xong mầm non vào lớp 1. Thôn 3 và Thôn 4 “thoát nghèo” nên thu nhập từ chính sách thu hút của các thầy đã giảm hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, nhưng trang thiết bị dạy và học thì cơ bản đảm bảo. Tuy còn học ghép vì sĩ số học sinh rất ít nhưng không còn như hồi xưa, tuổi trung bình học sinh từ  8 đến 16, cá biệt có Điểu Thị Ven 45 tuổi. Cố gắng lắm vẫn còn đến 30% bỏ học và không ít người tái mù chữ. Còn ở Thôn 3, cô giáo người Nùng Thạch Thị Nga đang tổ chức cho 16 trẻ từ 3 đến 5 tuổi hoạt động vui chơi ngoài trời. Dĩ nhiên vẫn có những đứa trẻ thiếu cân so độ tuổi. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi của xã Phước Cát 2 còn chiếm 15,47% kia mà. Nhưng nhìn các cháu khỏe khoắn vui chơi trong điều kiện lớp khá khang trang như thế thật yên lòng. Lần trước, y tá Lê Quang Ánh cho tôi biết, thôn có tới 20% dân bị sốt rét, trung bình mỗi tháng đến 7 ca. Còn bây giờ, y tế thôn bản Điểu K’Ru nói: “Từ 2005 đến nay sốt rét không còn nữa. Thỉnh thoảng một vài người dân chỉ bị viêm họng thôi”.  
 
Trẻ em lớp Mầm non Thôn 3
Trẻ em lớp Mầm non Thôn 3
 
Người S’Tiêng Thôn 3 và Thôn 4 ở trong lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên nên được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua nhận bảo vệ rừng với 30 hecta mỗi hộ. Chủ tịch UBND xã Mai Bảo Xuyên còn vui vẻ thông tin, Thôn 3 và Thôn 4 chuẩn bị triển khai dự án bảo vệ sinh thái rừng do tổ chức quốc tế phi chính phủ và Vườn Quốc gia Cát Tiên triển khai, riêng đầu tư cây trồng kinh phí 1,2 tỷ đồng, xã sẽ đề nghị huyện hỗ trợ bà con công tác chăm sóc. Đó là nguồn thu nhập quan trọng của đồng bào S’Tiêng và đặc biệt nhận thức bảo vệ rừng nâng cao. Áp lực lên tài nguyên rừng giảm tối đa. Tôi nhớ lần trước vào nhà anh Điểu K’Men, là đảng viên, cựu chiến binh, Thôn phó an ninh nhưng trên vách nhà anh ngoài tấm “Huân chương Kháng chiến chống Mỹ” hạng Ba, ở mái bếp còn có 46 bộ hàm răng heo rừng, mễn, cheo và trên gác còn khoảng 7 kg thịt heo rừng. Bảo vệ rừng cùng lao động sản xuất với hơn 300 hecta cây điều được bà con S’Tiêng ý thức chuyển đổi từ giống già cỗi sang giống mới, trồng ghép trên nhiều diện tích cây cà phê, cùng đó là lúa, hoa màu, chăn nuôi… góp phần đưa giá trị sản xuất của xã đạt 50 triệu đồng/ha. Tuy còn thấp hơn mặt bằng xã nhưng hiện thu nhập bình quân của đồng bào S’Tiêng đã đạt 35 triệu đồng/đầu người/năm. Số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn nhưng không còn những ngôi nhà dài lặng lẽ trầm mình trong nắng, gió; những túp nhà nhỏ đeo đẳng đứt bữa ăn. Giờ là nhà xây, nhà gỗ, nhà tôn tươm tất, bếp gar bếp củi luôn đỏ lửa. Tôi lòng vòng xe máy đến nhà ông bà Điểu K’Băm 89 tuổi, 57 tuổi Đảng và ông Điểu K’Ké, 100 tuổi, là cựu chiến binh. Mỗi hộ đều có nhà xây “Đại đoàn kết” và một mái nhà truyền thống sùm vầy với con cháu… 
 
Theo Nghị quyết Đảng bộ Phước Cát 2, đến năm 2025, thu nhập bình quân người/năm đạt 65-70 triệu đồng; năm 2024 đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao”. Tôi rời xã trở về phố thị mường tượng, nếu đạt được những đích đó, đồng bào S’Tiêng nơi ấy sẽ được hưởng lợi nhiều hơn hôm nay nữa. Tôi sẽ trở lại trong niềm vui hạnh phúc nhân lên…
 
Theo điều tra năm 1999, dân tộc S’Tiêng (còn gọi là X’Tiêng, Xa Điêng) có 66.788 người, phân bố tại 34 tỉnh, thành. Trong đó, tập trung ở tỉnh Bình Phước, còn tỉnh Lâm Đồng cao thứ 4 với 255 người, tập trung tại xã Phước Cát 2, có 54 hộ, 241 người, cư trú ở Bù Khiêu của thôn Phước Sơn, Thôn 3 và Thôn 4. Cùng với 35 hộ, 146 người dân tộc Mạ, Phước Cát 2 hiện có 89 hộ, 387 người là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Người S’Tiêng nói ngôn ngữ Môn - Khơ me, thuộc ngữ hệ Đông Nam Á, nhưng xét về hình thái kinh tế có hai nhóm. Tại Phước Cát 2, nhóm Bù Đêh ở vùng thấp như thôn Phước Sơn, biết làm ruộng nước, còn nhóm Bù Lơ ở vùng cao như Thôn 3 và 4 chủ yếu làm rẫy, sống gần người Mạ.
 
Bút ký: MINH ĐẠO