Tiếp tục xuất lộ kiến trúc xây bằng gạch và đá có quy mô lớn

06:09, 17/09/2020

Được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Quyết định số 754/QĐ-BVHTTDL ngày 6/3/2020, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khai quật tại Di tích Cát Tiên (xã Quảng Ngãi, Cát Tiên). 

Được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tại Quyết định số 754/QĐ-BVHTTDL ngày 6/3/2020, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khai quật tại Di tích Cát Tiên (xã Quảng Ngãi, Cát Tiên). 
 
Đền đài xưa chỉ còn là phế tích
Đền đài xưa chỉ còn là phế tích
 
Sau 3 tháng (từ cuối tháng 5), Gò 4 Di tích khảo cổ Cát Tiên dự kiến khai quật với tổng diện tích 2.000 m 2 (trong đó tại khu vực kiến trúc khai quật 700 m 2 và khu vực giả định là hồ nước (Baray) ở phía Đông kiến trúc là 1.300 m 2). Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, đã khai quật được tổng diện tích 1.437 m 2 (865 m 2 diện tích các hố khai quật, và khu vực cho là hồ nước 572 m 2). 
 
Qua đó, đã làm xuất lộ một kiến trúc xây bằng gạch và đá có quy mô lớn với một hệ thống tường bao và đường dẫn chạy xung quanh kiến trúc chính. Khu vực đất trũng khá bằng phẳng phía Đông nghi ngờ là hồ nước (Baray), kết quả bước đầu có nhiều cơ sở để kết luận không phải là một hồ nước do không tìm thấy các lớp trầm tích lắng đọng trong tầng văn hóa. Cuộc khai quật cũng đã phát hiện được một số hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các kiến trúc cổ tại Di tích Cát Tiên.
 
Di tích Cát Tiên là quần thể di chỉ khảo cổ quy mô lớn, được phát hiện năm 1985, nằm trong bồn địa rộng hàng trăm ha trải dài 15km dọc theo bờ sông Đồng Nai kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến Đức Phổ (Cát Tiên). Qua nhiều lần khai quật, các phế tích dần hé lộ những bí ẩn nằm sâu trong lòng đất, đó là một đô thị tôn giáo cổ mang ý nghĩa một thánh địa Bàlamôn giáo và Hindu giáo được kiến tạo từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 11. Đã có khoảng 1.140 hiện vật các loại được phát hiện với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại vàng, thiếc và bạc (bình, vò), đồng (gương, đĩa, chân đèn, chũm chọe, chuông, vòng, nhẫn, mặt người, cánh tay, hộp, dao, rìu, khuôn đúc), sắt (giáo, dao, đinh); đá, đá màu, đá quý và đá bán quý (các tượng thờ Ganesa, linga, linga-yoni, mi cửa, cột tiện tròn, bậc thềm, thanh ốp, rìu, mảnh khắc chữ Phạn); đồ gốm (các mảnh gốm, sứ, gạch ngói, mộ vò, đèn gốm)... Đến nay các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chủ nhân đích thực của Thánh địa là ai, nằm trong bối cảnh lịch sử nào. Năm 2014, Di tích Cát Tiên được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
 
Cuộc khai quật lần này tại Gò 4 làm xuất lộ một kiến trúc đền tháp quy mô, qua đó hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm những bí ẩn cần lý giải. Trong tháng 10 năm 2020 sẽ tiếp tục khai quật diện tích còn lại theo dự kiến.
 
QUỲNH UYỂN