Những ngón tay nói lời yêu thương

06:11, 10/11/2020

Ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng có những thầy, cô giáo "đặc biệt" luôn dành trọn tình thương, tâm huyết cho những học trò của mình. Ở đây, giáo viên và học trò gắn bó với nhau qua những ngón tay luôn nói lời yêu thương.

Ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng có những thầy, cô giáo “đặc biệt” luôn dành trọn tình thương, tâm huyết cho những học trò của mình. Ở đây, giáo viên và học trò gắn bó với nhau qua những ngón tay luôn nói lời yêu thương.
 
Một tiết dạy của cô giáo Đan Anh
Một tiết dạy của cô giáo Đan Anh
 
Cả cô và trò đều khiếm thính
 
Đi dọc ngang qua các lớp học nhỏ của Trường Khiếm thính Lâm Đồng, chúng tôi dừng lại ở một lớp học “đặc biệt”, lớp học mà cả cô và trò đều là người khiếm thính. “Lặng” hơn những lớp khác, cô trò cùng giao tiếp với nhau qua ký hiệu bằng tay, chỉ có tiếng phấn viết bảng, tiếng kéo ghế của một cậu học trò nhỏ nghịch ngợm và cả những tiếng cười ít thành tiếng của học sinh. Thỉnh thoảng, cô trò lại đập tay vui vẻ với nhau “ậm ừ” ý rằng “con trả lời đúng rồi!”. 
 
Lớp do cô giáo Đỗ Hoàng Đan Anh chủ nhiệm, cô Đan Anh từng là học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Vốn là người khiếm thính bẩm sinh, năm 1999, cô bé Đan Anh khi đó 8 tuổi được bố mẹ dắt tay từ Khánh Hòa đến trường khiếm thính để học tập. “Được học ở trường là điều may mắn đối với mình, các cô giáo ở trường luôn thương yêu, quan tâm, giúp đỡ chúng tôi như người thân” - cô Đan Anh nói qua ký hiệu tay. 
 
Là người khiếm thính, hơn hết, cô Đan Anh hiểu được những thiệt thòi, khó khăn mà các em khiếm thính phải trải qua. Vì vậy mà từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Đan Anh đã mơ ước mình trở thành cô giáo, được dạy học, cầm tay giúp đỡ các em khiếm thính được chắp cánh bay xa như chính những gì mà các cô giáo ở đây đã từng giúp đỡ cô. 
 
Năm 2012, Đan Anh tốt nghiệp ra trường, cô chọn Trung tâm Nghiên cứu và Thúc đẩy Văn hóa Điếc - Đại học Đồng Nai để theo học. Bỏ qua những cơ hội ở Đồng Nai, năm 2019, cô quyết định quay lại ngôi trường đã dạy dỗ mình ngày xưa.
 
Đã gần 1 năm Đan Anh về công tác tại trường, cô gái 29 tuổi nay không chỉ thực hiện được mơ ước khi xưa mà còn hãnh diện vì được đồng hành cùng các thầy, cô giáo  nâng bước ước mơ cho các em nhỏ khiếm thính. “Được dạy dỗ các em, mình cảm thấy rất vui, bản thân mình luôn cố gắng truyền đạt những kiến thức, kỹ năng để các em có thể mạnh dạn, tự tin phát triển” - cô Đan Anh nói.
 
Dạy học bằng tình thương “người mẹ”
 
18 năm gắn bó với Trường Khiếm thính Lâm Đồng, cô giáo Nguyễn Thị Quý (49 tuổi) luôn thương yêu học trò như những “đứa con” của mình. Vốn không phải là giáo viên được đào tạo giáo dục đặc biệt cho trẻ khiếm thính, vì vậy thời gian mới về trường  là thời gian khó khăn nhất đối với cô. Để có thể giao tiếp với các em, cô Quý ngoài thời gian học trên lớp giáo dục đặc biệt, cô còn thường xuyên nói chuyện cùng học trò, ký hiệu nào không biết, cô học thêm từ các em.   
 
“Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, để dạy một đứa trẻ không nghe, nói được lại càng khó hơn bao giờ hết” - cô Quý nói. Môn tự nhiên như Toán các em hiểu rất nhanh, nhưng những môn văn hóa, xã hội thì lại là một vấn đề lớn. Là một giáo viên dạy văn hóa, cô luôn tự tìm tòi, vận dụng nhiều phương pháp dạy học từ hình ảnh, ngôn cụ đến diễn đạt bằng ngôn ngữ hình thể để các em có thể hiểu bài được. 
 
Cô kể, hoàn cảnh gia đình học sinh ở đây đa phần đều khó khăn, bố mẹ ở vùng sâu, vùng xa, thương nhất những gia đình có 2, 3 cháu đều bị khiếm thính. Các em còn quá nhỏ, khiếm khuyết khiến các em không được như các bạn, đã là một thiệt thòi. Thế nhưng, các em còn phải rời xa vòng tay của bố mẹ từ rất sớm để học nội trú tại trường, khiến bản thân càng cảm thấy cô đơn, thiếu thốn nhiều hơn. 
 
Chính vì điều này mà cô Quý càng thấy bản thân phải gắn bó, thương yêu các em nhiều hơn. “Tôi luôn muốn bù đắp tình thương cho những đứa trẻ này như tấm lòng của một “người mẹ”. Mong muốn lớn nhất của tôi là những “đứa con” của mình có thể tự lập phát triển bản thân, hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội” -  cô Quý tâm sự.
 
Cũng từ suy nghĩ đó, mà từ ngày còn học trên giảng đường sư phạm, cô Trần Thị Thủy (49 tuổi) đã có quyết định của riêng mình. Tốt nghiệp ra trường, cô Thủy xin về dạy tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng, đến nay đã hơn 24 năm cô gắn bó tại ngôi trường này. “Không chỉ riêng tôi mà ngay cả những giáo viên khác khi làm việc tại đây đều dành trọn yêu thương cho ngôi trường này mà không nỡ rời xa”, cô Thủy cười.
 
Do bị hạn chế khả năng giao tiếp, tâm lý các em thường dễ cáu giận, vì thế, thầy, cô giáo ở đây phải luôn biết cách nhẹ nhàng, nắm bắt tâm lý, chia sẻ những điều các em muốn nói. “Giáo viên phải có trách nhiệm, toàn tâm toàn ý dành tình thương cho trẻ. Dạy học bằng tấm lòng, các em sẽ cảm nhận được tình thương của mình” - cô Thủy nói.
 
Nói đến niềm vui trong suốt 24 năm cô gắn bó với trường khiếm thính, cô Thủy chia sẻ: “Các em đều rất tình cảm, nhìn thấy chúng trưởng thành, vui vẻ, ra trường nhưng vẫn yêu quý thầy, cô đã là một niềm vui lớn đối với tôi”. Là giáo viên lâu năm ở trường, ngoài dạy văn hóa, cô Thủy còn được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Công đoàn trường. Với vai trò này, cô không chỉ tâm huyết, tận tụy với học sinh mà còn tích cực trong các hoạt động, phong trào thi đua của công đoàn.
 
Bằng tình thương của mình, các giáo viên tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng hằng ngày vẫn luôn nỗ lực học hỏi, sáng tạo các bài giảng để các em tiếp thu kiến thức được tốt hơn. “Hi vọng, tình thương của chúng tôi sẽ tiếp thêm sức mạnh để các em có thể mạnh dạn bay cao, bay xa hơn” - cô Thủy cười.
 
NHẬT QUỲNH