Dịch vụ một năm biến động

06:12, 10/12/2020

Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020 của UBND tỉnh cho hay, khu vực dịch vụ có mức tăng 1,4% so với kế hoạch đề ra...

Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020 của UBND tỉnh cho hay, khu vực dịch vụ có mức tăng 1,4% so với kế hoạch đề ra tăng từ 10,1 - 10,5%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng hơn chục năm nay, bởi nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mang đến một năm biến động đối với các ngành dịch vụ của Lâm Đồng.
 
Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đối với các ngành, lĩnh vực dịch vụ được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 7/12/2019 về việc “giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020” đều chịu ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 kéo theo các dịch vụ đi kèm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
 
Bến xe Liên tỉnh Đà Lạt - nơi trung chuyển hành khách lớn nhất trên địa bàn TP Đà Lạt. Ảnh: C.Thành
Bến xe Liên tỉnh Đà Lạt - nơi trung chuyển hành khách lớn nhất trên địa bàn TP Đà Lạt. Ảnh: C.Thành
 
Du lịch giảm gần 50% lượng khách
 
Theo quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đối với lĩnh vực du lịch, năm 2020 Lâm Đồng đón tổng lượt khách đến tham quan du lịch 7,8 triệu lượt, bao gồm khách nội địa 7,22 triệu lượt và khách quốc tế 0,58 triệu lượt. Trong đó, tổng lượt khách du lịch qua đăng ký lưu trú 5,3 triệu lượt với số ngày lưu trú bình quân 2,2 ngày. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chức năng, mặc dù ngành du lịch đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và tỉnh; đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Lâm Đồng, Điểm đến an toàn” và triển khai thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực du lịch của tỉnh. Vì vậy, khách du lịch đến Lâm Đồng trong năm 2020 ước đạt 3.200 ngàn lượt, giảm 55,2%, đạt 41% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế 110 ngàn lượt, giảm 79,4%; khách qua lưu trú 2.300 ngàn lượt, giảm 52,6% so với cùng kỳ và ngày lưu trú bình quân cũng giảm chỉ đạt 2 ngày.
 
Với lượng khách du lịch tới Lâm Đồng giảm sâu nêu trên dẫn đến các nhóm dịch vụ trực tiếp đều giảm và chỉ đạt chưa tới 80% kế hoạch so với cùng kỳ. Thống kê mới nhất của Cục Thống kê tỉnh cho hay: Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trong tháng 11/2020, ước đạt gần 993,6 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 140 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 853,6 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng của năm 2020 đạt 7.712,2 tỷ đồng, bằng 77,25% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.055,9 tỷ đồng, bằng 74,78% và doanh thu từ dịch vụ ăn uống đạt 6.656,3 tỷ đồng, bằng 77,97% so với cùng kỳ. 
 
Nhiều ngành, lĩnh vực đều giảm 
 
Tương tự như dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động vận tải sau các đợt dịch bùng phát ở một số tỉnh thành lại bị bồi thêm mấy trận lũ lụt diễn ra ở miền Trung, dẫn đến ngành vận tải địa phương chưa hồi phục sau dịch tiếp tục bị ảnh hưởng và giảm mạnh. Theo Cục Thống kê Lâm Đồng, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ trong tháng 11/2020 đạt 347,8 tỷ đồng, giảm 3,17% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 306,7 tỷ đồng, giảm 2,76% và doanh thu kho bãi, các dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 41,1 tỷ đồng, giảm 6,13%. Lũy kế 11 tháng của năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ đạt 3.360,3 tỷ đồng, giảm 13,29% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.872,1 tỷ đồng, giảm 14,75%. 
 
Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ hoàng hóa 11 tháng trong năm 2020 đạt 36.612,5 tỷ đồng, tăng 1,74% so với cùng kỳ và tuy có mức tăng trưởng dương nhưng không đồng đều ở các ngành hàng. Cụ thể, trong khi một số nhóm hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm đạt 15.771 tỷ đồng, tăng 15,36% (chiếm 43,08% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa) thì nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ thiết bị gia đình chỉ đạt 4.719,1 tỷ đồng, giảm tới 17,18%; còn nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng đạt 3.429,6 tỷ đồng, giảm 1,66% so với cùng kỳ. 
 
Doanh thu các dịch vụ khác bao gồm: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, hành chính và dịch vụ hỗ trợ, giáo dục và đào tạo, y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội hay dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí… trong 11 tháng qua đạt doanh thu 6.837,6 tỷ đồng, tăng 2,89%, nhưng chỉ tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản và giảm đều ở các dịch vụ khác. 
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm đến nay nên các hoạt động thương mại, dịch vụ trên toàn tỉnh đều bị ảnh hưởng. Ước năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 66.730 tỷ đồng, tăng 2,6% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 48.045 tỷ đồng, tăng 19,2%; tuy nhiên, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt 9.677 tỷ đồng, giảm 12,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 9.008 tỷ đồng, giảm 34,38%.
 
Với sự suy giảm trong các lĩnh vực, ngành dịch vụ trong năm 2020, mặt khác dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu được khống chế trên bề mặt toàn cầu và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạch định kế hoạch phát triển đối với các lĩnh vực và ngành dịch vụ trong năm 2021.
 
XUÂN TRUNG