Đơn Dương: Tập trung đổi thay diện mạo vùng dân tộc thiểu số

05:04, 02/04/2021

Nhờ triển khai đầu tư đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách đặc thù dân tộc, diện mạo nông thôn và đời sống người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương thay đổi rõ rệt trong nhiều năm trở lại đây. 

Nhờ triển khai đầu tư đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách đặc thù dân tộc, diện mạo nông thôn và đời sống người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đơn Dương thay đổi rõ rệt trong nhiều năm trở lại đây. 
 
Bà con DTTS tập trung phát triển kinh tế
Bà con DTTS tập trung phát triển kinh tế
 
Đầu tư tập trung, đồng bộ
 
Đơn Dương hiện có hơn 6.000 hộ đồng bào DTTS sinh sống, chiếm 31% dân số toàn huyện. Những năm qua, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, nhiều địa phương đã có nhiều đột phá trong công tác giảm nghèo. 
 
Đơn cử tại xã Tu Tra, đây là địa phương được huyện đánh giá thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong nhiều năm nay. 
 
Đến thăm nhà anh Ya Íp, người Chu Ru, (44 tuổi), tại thôn Hawai, xã Tu Tra, gia đình anh trước đây thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Vừa phải trang trải cuộc sống, vừa nuôi 4 người con học lên đại học khi chỉ dựa vào nguồn thu nhập bấp bênh từ mấy sào đất trồng rau, củ khiến gia đình anh luôn luẩn quẩn trong cái nghèo. 
 
Để giúp gia đình thoát nghèo, địa phương cũng đã quan tâm, hỗ trợ anh Ya Íp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất. Từ những nỗ lực của bản thân cùng sự quan tâm kịp thời của địa phương, đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định hơn với 7 sào cà chua, bí, con cái cũng được ăn học đến nơi, đến chốn. “Nhờ địa phương quan tâm, giúp đỡ, gia đình tôi có thêm động lực làm ăn, cuộc sống nay cũng đỡ vất vả hơn nhiều”, anh Ya Íp chia sẻ. 
 
Bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra cho biết: Xã Tu Tra hiện có hơn 60% người dân là người DTTS. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những thôn, hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; chú trọng đến hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo tính hiệu quả các chương trình.
 
“Xã Tu Tra thoát nghèo bền vững một phần nhờ thu hút được các doanh nghiệp, công ty về địa phương. Hiện, xã có 16 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh, 4 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác sản xuất. Qua đó, giúp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân thoát nghèo”, bà Nhung cho hay. 
 
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 16 hộ, chiếm 0,61%; hộ cận nghèo còn dưới 2,15%, với 56 hộ; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS chỉ còn 0,74%. Địa phương cũng đề ra mục tiêu, phấn đấu trong năm 2021, Tu Tra đạt xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, đến năm 2023 đạt xã NTM kiểu mẫu, xã không còn hộ nghèo. 
 
Tiếp tục tập trung đầu tư cho vùng đồng bào DTTS
 
Ông Ka Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết: Những năm qua, Đơn Dương tập trung chăm lo cho vùng DTTS, các Chương trình 30a và 135; dự án phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho vùng DTTS được huyện triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đặc biệt, các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, việc làm, đầu tư các công trình có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân được huyện ưu tiên bố trí. 
 
Theo ông Ka Sung, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 14 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 với gần 2,4 tỷ đồng. Đến hiện tại, 14/14 thôn này đều đã hoàn thành.
 
Đối với các xã ngoài Chương trình 135 và 30a, từ nguồn vốn hơn 300 triệu đồng, huyện hỗ trợ sinh kế cho xã Lạc Xuân và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã Ka Đơn và thị trấn D’Ran. 
 
Ngoài ra, với 2,2 tỷ đồng của Chương trình định canh, định cư thôn Ka Đô mới 2 (xã Ka Đô) huyện đầu tư xây dựng đường giao thông và công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân địa phương.
 
Trong năm 2020, huyện cũng đã hỗ trợ vốn vay tín dụng cho 67 hộ với hơn 3,3 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 850 lao động. 
 
Bên cạnh đó, các đề án như giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS cũng được địa phương quan tâm thực hiện. 
 
Nhờ đó, đến nay, khoảng cách trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, nhóm dân cư ở địa phương cũng dần được thu hẹp, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. 
 
Theo số liệu thống kê của Phòng Dân tộc huyện, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm nhanh, chỉ còn 97 hộ, chiếm 0,41%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 0,84% với 54 hộ. Riêng các xã Quảng Lập, Ka Đô, Lạc Lâm và thị trấn Thạnh Mỹ đến nay không còn hộ nghèo. Nếu như thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2015 là 48 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đã tăng lên 71,97 triệu đồng/người/năm.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giảm nghèo của địa phương vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Kết quả giảm nghèo giảm khá nhanh nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao; một số đồng bào DTTS vẫn còn tư tưởng ỷ lại.
 
“Hơn nữa, kết cấu hạ tầng ở một số thôn DTTS vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, sinh hoạt của bà con. Song, nguồn ngân sách của địa phương không đáp ứng đủ, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Do đó, địa phương cũng kiến nghị cấp tỉnh, Trung ương có những chính sách, hỗ trợ đầu tư đặc thù riêng cho những địa phương này, nâng cấp các công trình, tạo điều kiện cho bà con phát triển đời sống, sản xuất” - ông Ka Sung chia sẻ. 
 
Thời gian tới, huyện cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án phát triển vùng DTTS. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS gắn với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bà con DTTS.
 
NHẬT QUỲNH