Màu xanh quê mới

12:05, 03/05/2021

Sau 30 năm, kể từ ngày về với vùng đất mới Di Linh lập nghiệp, đến nay cuộc sống của đồng bào Mường đã được ổn định và phát triển...

Sau 30 năm, kể từ ngày về với vùng đất mới Di Linh lập nghiệp, đến nay cuộc sống của đồng bào Mường đã được ổn định và phát triển. Trên quê hương mới, cuộc sống của người Mường nay đã khác xa, nhiều mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dổi kết hợp với làm kinh tế từ ao, xây dựng chuồng trại đã giúp bà con ở vùng đất này đổi thay từng ngày. 
 
Kinh tế phát triển, người Mường lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống
Kinh tế phát triển, người Mường lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống
 
Chúng tôi đến bản Mường thuộc Thôn 7, xã Tân Lâm vào thời điểm chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa, tuyến đường liên xã Tân Lâm - Đinh Trang Hòa đã được trải nhựa phẳng phiu dẫn vào tận các đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khang trang. Dọc hai bên đường là những vườn cà phê xanh ngát, xen lẫn với vườn dâu cùng với màu xanh của rừng dổi đang bước vào mùa đơm hoa kết trái. 
 
Là một trong những người đầu tiên đặt chân vào đây lập làng, lập bản, vượt qua bao vất vả ban đầu, đến nay đời sống của gia đình ông Bùi Duy Hùng đã ổn định. Ông Bùi Duy Hùng nhớ lại, hồi những năm 1991, 1992, vùng quê Lạc Sơn - Hòa Bình đất chật người đông, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, đất ruộng ít, có tăng năng suất đến mấy cũng không đủ ăn, rồi lại mùa màng thất bát, biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh nghèo khó. Từ khó khăn đó cùng với sự giới thiệu của một số anh em, bạn bè về vùng đất trù phú Di Linh, gia đình ông Bùi Duy Hùng cùng với một số hộ dân trong bản đã quyết định khăn gói rời mảnh đất quê hương, đến Di Linh lập nghiệp. 
 
Dổi là một trong những cây trồng có thế mạnh của người Mường xã Tân Lâm
Dổi là một trong những cây trồng có thế mạnh của người Mường xã Tân Lâm
 
Những năm đầu trên quê hương mới cuộc sống của bà con rất khó khăn, vất vả như: cơ sở hạ tầng thiếu thốn, thiếu vốn sản xuất lẫn kiến thức về kỹ thuật canh tác cà phê, chè... Hằng ngày, người dân phải đi làm thuê, làm mướn, tích cực khai hoang, trồng khoai, trồng sắn, trồng dâu nuôi tằm để lấy ngắn nuôi dài phát triển cây công nghiệp. “Khó khăn là vậy, nhưng vừa làm thuê, vừa học hỏi kỹ thuật canh tác cà phê của người dân địa phương và được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp cũng như bà con trong vùng, kinh tế người Mường dần ổn định. Bên cạnh đó, bà con được tiếp cận khoa học - kỹ thuật vào thâm canh cây cà phê, nên năng suất cây trồng được nâng cao. Hiện gia đình tôi canh tác 2,3 ha cà phê giống cao sản, 3 sào dâu nuôi tằm, đào trên 1.000 m2 ao thả cá kết hợp trồng xen khoảng 200 cây sầu riêng, bơ và dổi nên kinh tế ổn định, thu nhập đạt từ 350 - 500 triệu đồng/năm. Năm 2015, gia đình tôi đã xây nhà sàn bê tông với trị giá 1,2 tỷ đồng”, ông Bùi Duy Hùng phấn khởi. 
 
Còn với gia đình bà Hoàng Thị Mừng cũng ở Thôn 7, xã Tân Lâm, ngày đầu vào đây lập nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với nỗ lực vượt khó, ý chí quyết tâm làm giàu trên vùng quê mới, cùng sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, nên đến nay kinh tế gia đình bà Mừng nằm ở nhóm đứng đầu của thôn, xã. Với 1,7 ha cà phê, nhờ chuyển đổi giống mới và kết hợp trồng xen canh cây sầu riêng, hồ tiêu, bơ và kết hợp phát triển chăn nuôi, nên thu nhập của gia đình khoảng 700 triệu đồng/năm. 
 
Nhiều bà con dân tộc Mường làm giàu từ mô hình đa canh
Nhiều bà con dân tộc Mường làm giàu từ mô hình đa canh
 
Bà Hoàng Thị Mừng chia sẻ: “Kinh tế gia đình nay phát triển ổn định, con cái học tập đến nơi, đến chốn và tôi có người con hiện đang làm việc ở Nhật Bản”.
 
Theo ông Vũ Hồng Phúc - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Lâm, toàn xã có 174 hộ dân tộc Mường, khoảng 800 nhân khẩu. Đồng bào Mường vốn cần cù, rất chịu khó, sống đoàn kết, hăng say lao động sản xuất nên đời sống vật chất và tinh thần chuyển biến rõ nét. Nhờ kinh tế gia đình phát triển ổn định nên nhiều hộ dân đều quan tâm tạo điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn và nhiều người con hiện đang công tác ở khắp mọi miền đất nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm. Trong số 174 hộ người Mường trong toàn xã thì đến nay đã có trên 65% hộ khá giả và chỉ còn 7 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Hiện tại, không chỉ riêng các gia đình cụ Bùi Văn Sòn, bà Hoàng Thị Mừng, ông Bùi Duy Hùng, Hoàng Công Trọng, Bùi Trùng Dương đã xây dựng nhà cửa có trị giá từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng, mà nhiều hộ bà con Mường khác cũng nhờ cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế nên đã xây dựng ngôi nhà khá khang trang…
 
Chúng tôi chia tay bản Mường trong tiết trời trong xanh bởi những cơn mưa đầu mùa hòa chung với sắc màu rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Dù biết vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng với lợi thế điều kiện tự nhiên sẵn có và với quyết tâm cao của chính quyền các cấp cùng nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây, cuộc sống bản Mường hôm nay đã “thay da, đổi thịt” và sẽ có thêm nhiều khởi sắc.
 
NDONG BRỪM