Đối mặt COVID để hàng hóa lưu thông (bài 2)

04:08, 11/08/2021

Lâm Đồng hiện có hơn 2.500 đầu xe hoạt động kinh doanh vận tải, tập trung chủ yếu tại các vùng sản xuất nông sản lớn...

[links()]
 
Bài 2: Cần có biện pháp thống nhất hỗ trợ những chuyến xe
 
Lâm Đồng hiện có hơn 2.500 đầu xe hoạt động kinh doanh vận tải, tập trung chủ yếu tại các vùng sản xuất nông sản lớn. Số xe này cùng với đội ngũ lái xe, phụ xe chính là “người vận chuyển” hàng hóa đi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, nhằm góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 
 
Xe vận tải hàng hóa bị ách tắc tại chốt kiểm dịch do tài xế không kịp cập nhật quy định mới về chống dịch
Xe vận tải hàng hóa bị ách tắc tại chốt kiểm dịch do tài xế không kịp cập nhật quy định mới về chống dịch
 
Trước tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa là đội ngũ tham gia vào việc đảm bảo cung - cầu, nhất là các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân cả nước, trong đó có cả những tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn thế, họ còn là “đội quân” xung kích góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ “mục tiêu kép” của tỉnh vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 
 
Luồng xanh khơi thông hàng hóa 
 
Nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông vận tải, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố luồng xanh quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Hiện các xe có luồng xanh này có thể lưu thông dễ dàng ở các tỉnh phía Nam.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Quang Vũ, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa, Lâm Đồng cũng đã thiết lập và công bố luồng xanh nội tỉnh, kết nối với luồng xanh quốc gia và luồng xanh các địa phương lân cận. 
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cánh lái xe nói riêng và hoạt động vận tải nói chung, vẫn đang gặp một số những khó khăn nhất định khi tại các chốt kiểm dịch hiện chỉ thực hiện theo chỉ đạo, văn bản của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương hiện lại có một hướng dẫn khác nhau trong hoạt động vận tải. Các biện pháp phòng, chống dịch, phân luồng và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa của nhiều địa phương khá phức tạp, không thống nhất, làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa của các đơn vị vận tải và doanh nghiệp. Ví dụ, trong vận tải hàng hóa đường dài, một số địa phương quy định không cho phụ xe đi cùng, chỉ cho 1 lái xe. Thực tế từ xưa đến nay, hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa liên tỉnh đều có ít nhất 1 phụ xe để hỗ trợ tài xế, nhất là các loại xe tải nặng, bởi đây là nghề nghiệp khá nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về an toàn trên cung đường. Chưa kể trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, để đảm bảo theo yêu cầu “1 cung đường 2 điểm đến” thì lái xe càng chịu nhiều áp lực, dễ mệt mỏi nên sức khỏe của đội ngũ này cũng là vấn đề quan trọng cần được tính đến bên cạnh công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn giao thông. Với quãng đường vài trăm, thậm chí hàng ngàn km, tài xế không thể đi một mình mà không được ngừng nghỉ dọc đường. Quy định hạn chế ghé ngang, mang đồ ăn theo cũng chỉ có thể áp dụng đối với một số chặng đường chuyên chở hàng hóa ngắn nhất định và trong điều kiện phù hợp với sức khỏe của tài xế...
 
Lái xe vận chuyển hàng hóa chờ đợi để được giải quyết thủ tục qua chốt kiểm dịch
Lái xe vận chuyển hàng hóa chờ đợi để được giải quyết thủ tục qua chốt kiểm dịch
 
Đồng hành hỗ trợ tài xế
 
Hiện nay, một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cũng có những quy định riêng về hoạt động vận tải và thay đổi liên tục các quy định, dẫn đến lái xe không nắm hết và không theo dõi kịp khi công việc của họ là thường xuyên phải di chuyển trên đường. Đã có những trường hợp lái xe phải bỏ cả xe hàng nông sản vì không thể giao hàng khi đến Bình Dương. Một số địa phương, lực lượng công an, cảnh sát giao thông thậm chí còn xử phạt cả việc các xe tải nhẹ, xe bán tải chở rau, quả giao trong nội tỉnh, gây khó cho việc lưu thông hàng hóa, dẫn tới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và tình hình sản xuất nông sản của người dân.
 
Anh Lò Quang Thắng, một lái xe đường dài chuyên vận chuyển rau, củ đi Phan Thiết và chở gạo ngược về Lâm Đồng chia sẻ: “Làm công việc vận chuyển ngày thường đã căng thẳng, mệt mỏi thì trong thời gian dịch bệnh, sự căng thẳng, mệt mỏi của cá nhân tôi tăng lên gấp nhiều lần. Cánh lái xe chúng tôi phải chuẩn bị nhiều thủ tục giấy tờ, phải tiến hành xét nghiệm, khai báo y tế, có giấy xác nhận chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Phải di chuyển đúng hành trình, giữa đường mệt mỏi, thậm chí đói cũng không dám tấp vào nghỉ ngơi, ăn uống vì sợ bị phạt. Vẫn biết là mình đang chở hàng hóa thiết yếu nhưng mà mỗi chuyến lên đường là mỗi lần tâm lý rất lo lắng, mệt mỏi. Về đến địa phương cũng phải tự cách ly. Mấy ai hiểu được nỗi lòng của tài xế vận chuyển hàng hóa chúng tôi những ngày này. Bản thân tôi cũng đã tính đến chuyện nghỉ chạy, nhưng còn chủ hàng bỏ họ lúc này cũng không được, nên hiện tại phải cố gắng, cứ đến đâu hay đến đó vậy”. 
 
Không chỉ cánh tài xế gặp áp lực, mà nhiều quy định về vận tải hàng hóa thường xuyên thay đổi cũng khiến cho các đơn vị vận tải, nhà sản xuất gặp khó khăn khi không cập nhật kịp, dẫn đến việc hàng hóa bị ách tắc, chậm đến nơi. Một số mặt hàng thì không sao, nhưng đối với các mặt hàng nông sản, tươi sống thì sự chậm trễ về mặt thời gian sẽ làm hàng hóa bị hao hụt, thậm chí hư phải đổ bỏ. 
 
Anh Trần Thắng, lái xe người Ninh Thuận nhưng chuyên chở rau, củ từ Đà Lạt đi Hà Nội cho biết, xe anh có luồng xanh, xuất phát từ Đà Lạt ngày 2/8 thì vẫn đi được 1 lái xe và 1 phụ xe, nhưng khi quay đầu vào đến Đà Lạt ngày 6/8 để tiếp tục lấy rau, củ, quả chở ra Hà Nội thì bị ách tắc chưa thể vào được do có quy định mới là luồng xanh chỉ cấp phép cho 1 người, không cho kèm phụ xe nếu chưa đăng ký danh sách, nên giờ xe bị kẹt, không vào nhận hàng được. “Chủ hàng thì đang chờ chúng tôi vào để bốc hàng cho kịp chuyến sáng mai, còn chúng tôi giờ không biết phải như thế nào. Phụ xe muốn vào thì phải đi cách ly và giờ không có tên là không được vào. Rồi tìm một phụ xe mới cũng không phải dễ trong thời điểm hiện nay” - Anh Thắng tâm tư.
 
Quá trình đi tìm hiểu vấn đề, phóng viên còn gặp trường hợp 2 nhân viên giao hàng của Công ty Nước khoáng Khánh Hòa với thương hiệu nước khoáng Đảnh Thạnh chở hàng đi giao cho đơn vị ở Đà Lạt cũng bị ách tắc không thể trực tiếp chở hàng đến điểm tập kết hàng theo quy định, vì thiếu giấy thông hành của địa phương mặc dù nhân viên có giấy tờ xuất bến của công ty và có đầy đủ giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực. Thế là nhân viên phải gọi về công ty để xin ý kiến xử lý tình huống, sau đó lại phải liên hệ thuê xe đến trung chuyển hàng hóa và ngồi chờ cả một buổi chiều mới có thể giao hàng ở tại khu vực chốt kiểm dịch.
 
Một chủ hãng vận tải ở Đà Lạt không muốn nêu tên cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa rất mong được giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Theo ông, việc phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay đúng là phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải vốn mang tính đặc thù lại càng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cũng cần được quan tâm và thống nhất. Các cấp, ngành nên đưa ra những quy định thống nhất và sát với thực tế nhất để vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Bởi, hàng hóa không được khơi thông đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất, chế biến không có được đầu ra và sẽ đình trệ sản xuất. Vì vậy, mong chính quyền các tỉnh, thành phố cần phải có biện pháp hỗ trợ để khơi thông ngành vận tải, qua đó tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. 
 
Bên cạnh đó, ngoài việc quản lý chặt chẽ nhằm phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải tính đến việc kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý. Đó cũng là vấn đề quan trọng để các địa phương tính toán, bởi hiện nay chi phí vận tải đã và đang bị phát sinh nhiều hơn trước, ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng khi đến tay người tiêu dùng và còn có thể gây ra ách tắc khiến hàng hoá sản xuất ra cũng không thể tiếp cận khách hàng một cách thuận lợi nhất.
 
Phóng sự: NGUYỄN NGHĨA