Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở huyện vùng sâu

04:10, 19/10/2021

Không chỉ mang lại hiệu quả tích cực về bảo vệ rừng, tạo sinh kế ổn định lâu dài, mà thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Đam Rông còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, nhất là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ mang lại hiệu quả tích cực về bảo vệ rừng, tạo sinh kế ổn định lâu dài, mà thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở Đam Rông còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, nhất là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 
 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng cùng lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra rừng
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng cùng lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra rừng
 
•  DÂN CÓ THU NHẬP, RỪNG ĐƯỢC BẢO VỆ
 
Năm 2010, anh K’Lai (thôn Đạ Sơn, xã Đạ K’Nàng) cùng với 15 người khác trong thôn mạnh dạn nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 200 ha rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Phi Liêng. Cùng với việc nhận bảo vệ rừng để vừa có một khoản kinh phí nhất định trong năm, những chuyến đi kiểm tra cùng lực lượng trong Ban QLRPH Phi Liêng đã giúp anh hiểu hơn vai trò của rừng đối với đời sống con người. 
 
“Mình luôn nhắc nhở bạn bè, con em trong thôn không được nghe lời kẻ xấu vào rừng chặt cây. Thấy kẻ xấu chặt cây thì phải báo cho kiểm lâm để ngăn chặn. Giữ được rừng thì gia đình mình bây giờ và thế hệ con cháu cũng có công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập”, anh K’Lai tâm sự.
 
Anh K’Lai cho biết thêm, rừng vừa là bạn, vừa làm cho đời sống bà con khấm khá lên. Năm 2020, số tiền anh nhận được từ DVMTR là gần 10 triệu đồng. Có lẽ, đối với những người khác số tiền này sẽ chỉ là con số nhỏ cho mức thu nhập cả năm, nhưng với bà con vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì đây là nguồn động viên tinh thần lẫn vật chất lớn.
 
Cũng như người dân nhận khoán bảo vệ rừng thuộc Ban QLRPH Phi Liêng, tại Ban QLRPH Sêrêpôk, anh Bon Krang K’Hân - Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng Thôn 2, xã Liêng Srônh gắn bó với việc nhận bảo vệ rừng hơn 10 năm qua. Cùng với 10 hộ trong thôn, hiện diện tích nhận bảo vệ là hơn 24 ha. Anh K’Hân cho hay: “Hàng tháng, tổ chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát diện tích rừng nhận khoán nhằm phát hiện những dấu hiệu xâm hại đến rừng và đất rừng để báo về Ban Quản lý và lực lượng chức năng của xã để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hăng năm, mỗi hộ được nhận hơn 9 triệu đồng về DVMTR”.
 
Năm 2021, xã Liêng Srônh có hơn 8.500 ha rừng được giao khoán bảo vệ cho 432 hộ. Ông Trương Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh khẳng định, việc chi trả dịch vụ môi trường được thực hiện đầy đủ đến tận tay các hộ gia đình có hợp đồng bảo vệ rừng. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần tổ chức các buổi họp dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng chống cháy rừng, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ dân và đưa việc bảo vệ rừng vào quy ước chung của từng thôn, quy định xử phạt cụ thể đối với người vi phạm.
 
•  CHI TRẢ KỊP THỜI
 
Năm 2020, toàn huyện Đam Rông có gần 1.420 hộ của 8 xã được nhận tiền chi trả DVMTR với tổng số tiền chi trả hơn 20 tỷ đồng… Từ việc thực hiện tốt chính sách đó đã tác động tích cực đến bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là nâng cao nhận thức của bà con vùng DTTS.
 
Tại Ban QLRPH Sêrêpốk, hàng năm, từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR và vốn lồng ghép khác, đơn vị thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân. Hiện, Ban đang quản lý với diện tích hơn 31.319 ha/6 xã; trong đó có 1.089 hộ đang nhận khoán bảo vệ rừng. Riêng năm 2020, Ban đã hoàn thành việc chi trả DVMTR là 17 tỷ đồng cho các hộ dân.
 
Ông Đặng Đình Túc - Trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết: “Để kịp thời chi trả, tại các xã đều có người của Ban phụ trách tại địa bàn để giám sát thực hiện việc chi trả và phát triển rừng. Những vấn đề nảy sinh hay bất cập đều được giải quyết kịp thời để số tiền DVMTR được dùng hiệu quả, đúng mục đích. Cùng với đó, để động viên, khuyến khích cộng đồng và nhóm hộ nhận khoán thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, hàng năm, đơn vị đều tổ chức biểu dương khen thưởng và tặng quà. Nhờ đó, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng được ngăn chặn, đời sống người dân được cải thiện”.
 
Ông Trần Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nhận định: Đam Rông là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS số đang sinh sống. Hầu hết là các xã đều xa trung tâm huyện, địa bàn thưa thớt, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc được hưởng lợi từ rừng là khoản thu nhập lớn của người dân. Chính sách chi trả DVMTR hàng năm sẽ nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng rất rõ rệt. Qua đó, địa phương sẽ thực hiện tốt hơn “mục tiêu kép” vừa nâng cao thu nhập gắn với quản lý, bảo vệ rừng.
 
Trong thời gian tới, huyện Đam Rông tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp; đặc biệt là chính sách chi trả DVMTR và bảo vệ rừng phòng hộ nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, để quản lý, bảo vệ rừng đi vào nền nếp hơn, huyện đã áp dụng nhiều biện pháp như đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là kiểm lâm địa bàn. Tăng cường, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền DVMTR, đảm bảo cấp phát đầy đủ, sử dụng đúng mục đích… 
 
THÂN THU HIỀN