Lâm Đồng nằm trong tốp 5 xử lý vi phạm hiệu quả từ tin báo liên quan đến động vật hoang dã còn sống

03:10, 10/10/2021

(LĐ online) - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa có báo cáo đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo trong năm 2020...

(LĐ online) - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa có báo cáo đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân thông báo trong năm 2020. Trong đó, 5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống là Đắk Lắk, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đồng Nai.
 
Cá thể vượn đen má hung được một hộ dân ở TP Bảo Lộc nuôi nhốt và tự nguyện bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 3/2019. Ảnh: Đông Anh
Cá thể vượn đen má hung được một hộ dân ở TP Bảo Lộc nuôi nhốt và tự nguyện bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 3/2019. Ảnh: Đông Anh
 
Theo ENV, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng trên cả nước với vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo vẫn đạt 97,6% trên tổng số vi phạm. Không những vậy, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương tiếp tục là hai địa phương đứng đầu cả nước trong công tác xử lý các thông tin vi phạm về ĐVHD từ người dân. Đồng thời, Lâm Đồng nằm trong tốp 5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo.
 
Một số kết quả đáng chú ý trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD năm 2020 tại Lâm Đồng bao gồm: Số vi phạm về động vật hoang dã là 25; tỷ lệ phản hồi 96% và tỷ lệ xử lý thành công 48%; tỷ lệ xử lý thông tin liên quan tới động vật hoang dã còn sống là 57,9%.
 
Trong khi đó, tỷ lệ phản hồi bình quân trên cả nước đạt 97,6% (1.274/1.305 vụ), tăng đáng kể so với tỷ lệ này trong năm 2019 (84%). Tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung và vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống năm 2020 lần lượt 33,2% và 39,5%, tương đương với kết quả ghi nhận trong năm 2019.
 
Theo quan điểm của ENV, sự tích cực trong việc phản hồi và xử lý hiệu quả các vụ việc do người dân thông báo là điều kiện rất quan trọng để duy trì và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong quá trình xử lý các vi phạm về ĐVHD.
 
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng vi phạm liên quan đến ĐVHD vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt trong năm 2020 khi mỗi ngày đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522 tiếp nhận khoảng 10 thông tin vi phạm về ĐVHD do người dân cung cấp. Tổng số vụ việc vi phạm về ĐVHD đã được ENV chuyển giao đến cơ quan chức năng trong năm 2020 là 1.035 vụ việc. Con số này trong năm 2019 là 708 vụ việc.
 
Báo cáo trên được gửi đến UBND các tỉnh, thành và các cơ quan thực thi pháp luật nhằm thúc đẩy hiệu quả xử lý vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước.
 
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) được thành lập vào năm 2000, là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của ENV là chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã. ENV phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, chính sách và trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có ý nghĩa quan trọng tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình truyền thông sáng tạo, ENV cũng từng bước thay đổi thái độ của cộng đồng và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.
 
C.THÀNH