Chỉnh trang, tôn tạo Ga Đà Lạt

04:12, 23/12/2021

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa có công văn cho phép Ga Đà Lạt tiến hành chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan để phục vụ khách tham quan theo đúng Luật Di sản. 

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa có công văn cho phép Ga Đà Lạt tiến hành chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan để phục vụ khách tham quan theo đúng Luật Di sản. 
 
Di sản kiến trúc Ga Đà Lạt ngày càng hấp dẫn du khách
Di sản kiến trúc Ga Đà Lạt ngày càng hấp dẫn du khách
 
Theo đó, Ga Đà Lạt sẽ thực hiện cải tạo toàn bộ khu vực xưởng sửa chữa toa xe cũ phía cuối nhà ga bị bỏ hoang phế lâu ngày, bằng cách dọn dẹp mặt bằng, trồng cây xanh, trồng hoa đặc hữu của Đà Lạt. Đồng thời trồng thêm cây xanh khuôn viên phía trước và phía trong ga. Việc chỉnh trang, tôn tạo sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường.
 
Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932, đến 1938 thì hoàn thành, là nhà ga đầu mối tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km. Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo với ba mái hình chóp, mô phỏng ba đỉnh núi Langbiang hoặc cách điệu mái nhà rông Tây Nguyên. Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 28/12/2001, Ga Đà Lạt được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 
 
Sau 20 năm được công nhận di sản kiến trúc, Ga Đà Lạt trở thành điểm tham quan du lịch ngày càng hấp dẫn du khách, nhất là từ khi tuyến đường sắt duy nhất còn lại dài 7 km được phục hồi đã đưa du khách trên những toa xe cổ đến với Trại Mát, tham quan chùa Linh Phước trải nghiệm cảm giác hoài niệm. 
 
QUỲNH UYỂN