Nghề chẻ lạt tất bật dịp Tết cổ truyền

01:01, 25/01/2022
(LĐ online) - Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người làm nghề chẻ lạt ở huyện Đạ Huoai lại tất bật tay chân tạo ra sợi lát dẻo dai để bà con gói những chiếc bánh chưng vuông vức, thể hiện tinh hoa của nền văn minh lúa nước.
 
Nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập dịp tết đến xuân về nhờ nghề chẻ lạt
Nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập dịp tết đến xuân về nhờ nghề chẻ lạt
 
Gia đình ông Hoàng Công Sinh (Tổ dân phố 4, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai) được biết đến là một thương lái nổi tiếng trong nghề buôn lạt ở địa phương. Dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, ông đã suất trên 20 tấn sợi lạt đến các thị trường như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. 
 
Ông Sinh cho biết: Không chỉ dịp Tết cổ truyền mà ngày thường ông cũng làm nghề này để cung cấp cho các vựa rau, các chủ cơ sở giò chả. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng hàng xuất đi của ông giảm hẳn 10 tấn, thông thường các năm trước đều khoảng 30 tấn hàng.
 
Để có một lượng sợi lạt lớn cung cấp cho thị trường, ông Sinh thuê hẳn 80 nhân công chẻ lạt. Những người này sẽ mang cây nứa về nhà để chẻ thành lạt, trung bình mỗi người thu nhập được từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày. Chị Nguyễn Thị Phương ở xã Mađaguôi đã nhiều năm nay làm nghề chẻ lạt cho biết: Mỗi dịp tết đến, tôi đều nhận chẻ lạt thuê, làm tất bật một mùa kiếm cũng được gần 8 triệu đồng để sắm tết. Nói chung có công ăn việc làm dịp cuối năm là mừng lắm rồi.
 
 Lạt thành phẩm được người dân chở đến các chủ vựa, sau đó cung cấp ra thị trường
Anh K’ Phẩm mỗi ngày kiếm được khoảng 700.000 đồng từ việc đốn nứa chẻ lạt
 
Anh K’ Phẩm là một người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, cứ độ xuân về là lại đi chặt nứa để về bán cho các chủ chẻ lạt. Mỗi ngày, anh K’ Phẩm có thể đốn được trên 200 kg nứa tươi. Với giá hiện nay là 3.500 đồng/kg thì mỗi ngày thu nhập của anh khoảng 700.000 đồng. Nửa tháng trở lại đây là cao điểm để anh mưu sinh với nghề. Từ việc đốn nứa, vụ tết năm nay anh có thu nhập khoảng 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
 
 Lạt thành phẩm được người dân chở đến các chủ vựa, sau đó cung cấp ra thị trường
Lạt thành phẩm được người dân chở đến các chủ vựa, sau đó cung cấp ra thị trường
 
Hiện nay, giá bán thành phẩm của 1 kg lạt khô là 40.000 đồng. Để làm ra những sợi lạt dẻo dai phải trải qua 3 công đoạn: Đốn nứa, chẻ thành từng thanh nhỏ, phơi nắng phơi sương. Còn nếu muốn buộc bánh chưng thì phải thêm công đoạn là phải tước nhỏ, dùng dao vuốt cạnh để sợi lạt được mềm, mịn. Chính vì vậy, lạt buộc bánh chưng thường có giá thành cao hơn và được chia thành từng bó nhỏ, mỗi bó có 40 sợi lạt được bán với giá 4.000 đồng. Để phục vụ nhu cầu buộc các loại bánh như: Bánh chưng, bánh tét hay giò chả, những sợi lạt có độ dài khác nhau từ 50 cm đến 1 mét. 
 
Xuân của đất trời, núi rừng Đạ Huoai lại đến, nghề chẻ lạt không chỉ góp một chút không khí xuân cho đất trời mà còn giúp bà con nơi đây cải thiện thu nhập.
 
ĐỨC TÚ