Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo - những vấn đề đặt ra (Kỳ 2)

05:03, 21/03/2022
[links()]
Kỳ 2: Giải pháp thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo
 
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng trong thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và tiếp công dân thì công tác này cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Tình trạng chưa phân biệt được sự khác nhau giữa trình tự, thủ tục giải quyết KNTC thuộc lĩnh vực hành chính với lĩnh vực tố tụng hình sự (TTHS); còn nhầm lẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước về ANTT với xử lý tin báo, tố giác tội phạm; một số đơn khiếu nại về hoạt động TTHS giải quyết còn chậm, để kéo dài. Cán bộ tiếp công dân, giải quyết KNTC thường xuyên được điều động, chuyển đổi vị trí công tác.
 
Đoàn ĐBQH giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết KNTC đối với các cơ quan Tư pháp.
Đoàn ĐBQH giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết KNTC đối với các cơ quan Tư pháp.
 
Qua báo cáo cho thấy, tình trạng số vụ việc không thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp rất lớn từ đó cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa tổ chức được nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hình thức tuyên truyền chưa phong phú đến các tầng lớp Nhân dân. Việc chậm tổ chức thi hành án, việc ban hành các quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhất là việc thực hiện kê biên, xử lý, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản của Chấp hành viên, công chức thi hành án cũng là nguyên nhân phát sinh đơn KNTC.
 
Mặt khác, xuất phát từ thực tế hơn 2 năm gần đây, tình hình, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, giải quyết KN,TC. Hiện nay, biên chế của các ngành thuộc cơ quan tư pháp còn thiếu rất nhiều trong khi đó nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm đều tăng. Đoàn ĐBQH sẽ đề nghị Trung ương xem xét việc cho thi tuyển công chức được tiến hành thường xuyên để các cơ quan có đủ biên chế làm việc đáp ứng yêu công tác ngày càng cao trong hoạt động tư pháp.
 
Trưởng Đoàn Giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh Nguyễn Tạo cho biết: qua công tác giám sát tại các đơn vị, cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Đoàn Giám sát nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong lĩnh vực này, chủ yếu do: Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa được thường xuyên, liên tục. Mặt khác, một số cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm, chưa đầu tư nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, dẫn đến việc triển khai thực hiện trong thời gian qua còn có mặt hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Theo đó, Đoàn Giám sát đã đề nghị các cơ quan Tư pháp của tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định người đứng đầu của cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; cũng như các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, công chức các đơn vị đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
 
Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ. Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Tăng cường công tác phối hợp tiếp công dân, giải quyết KNTC nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể; luật sư, Hội Luật gia tham gia hỗ trợ trong công tác tiếp công dân; phối hợp thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu về quyền, trách nhiệm của mình trong KNTC.
 
Tiếp tục phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc công khai, liên thông giữa các đơn vị trong tiếp công dân, giải quyết KNTC để biết được vấn đề nào đó đã được giải quyết hay chưa. Khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức chưa thực sự chú trọng áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong xử lý công việc, cập nhật trên hệ thống.
 
 Ông Nguyễn Thành Minh - Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, Viện tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết KNTC  thuộc thẩm quyền, nhất là VKSND cấp huyện, chú trọng việc phân loại, xử lý đơn KNTC đảm bảo việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp đúng quy định.Tập trung giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại đối với hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hạn chế thấp nhất oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong giai đoạn khởi tố. Chú trọng tập trung thực hiện công tác giải quyết kịp thời KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC kéo dài có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, đình chỉ vụ án đối với bị can vì lý do chuyển biến tình hình; chú trọng đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại, đảm bảo tính khách quan, toàn diện của việc giải quyết đơn thư KNTC trong hoạt động tư pháp đúng quy định. Góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút các nhà đầu tư vào Lâm Đồng, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
 
NGUYỆT THU