Nỗ lực bảo vệ rừng giáp ranh

06:04, 29/04/2022
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên đã ký kết quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên thảo luận quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên thảo luận quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
 
Theo số liệu thống kê, huyện Cát Tiên có tổng diện tích tự nhiên là 42.694,25 ha với 27.254,4 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 63,84% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng giáp ranh do Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý là 21.836,5 ha. Theo đánh giá, tài nguyên rừng ở vùng giáp ranh còn khá phong phú với nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm.
 
Trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên diện tích rừng được giao cho các đơn vị quản lý. Đồng thời, tổ chức các đợt phối hợp truy quét nạn phá rừng, lấn chiếm rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh giữa hai tỉnh cũng như thông tin với nhau về các vùng trọng điểm phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm rừng, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, tại vùng giáp ranh giữa hai đơn vị là khu vực rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, phân bố ở nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, vì vậy, những khu vực rừng giáp ranh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra khai thác lâm sản, săn, bẫy động vật hoang dã, phát nương làm rẫy trái phép... Đặc biệt, là một số đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh huyện Cát Tiên và Tân Phú (Đồng Nai) để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
 
Ông Đinh Quốc Huy - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên cho biết: Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Cát Tiên đã xảy ra 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện lập biên bản xử lý 7 vụ, Vườn Quốc gia Cát Tiên lập biên bản xử lý 8 vụ. Nhìn chung, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn chủ yếu vẫn xoay quanh khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép với mức độ và thiệt hại về lâm sản là không lớn. Tuy nhiên, hiện nay, trên sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Vĩnh Ninh đi về hướng Vườn Quốc gia Cát Tiên lại thường xuyên xảy ra tình trạng các tàu khai thác, hút cát trái phép, dẫn đến nhiều khu vực bờ sông tại Thôn 3, Xã Phước Cát 2 do Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý thường xuyên bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng. 
 
Lực lượng Trạm Kiểm lâm Bến Cầu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng trên sông Đồng Nai
Lực lượng Trạm Kiểm lâm Bến Cầu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng trên sông Đồng Nai
 
Theo ông Đinh Quốc Huy, bên cạnh những mặt đạt được trong công tác phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh đang gặp khó khăn vì các đối tượng vi phạm rất manh động, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ. Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm hai đơn vị còn chưa thường xuyên, khu vực giáp ranh có địa hình hiểm trở nên còn xảy ra nhiều vụ vi phạm, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, kinh phí thực hiện trong công tác phối hợp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt là thiếu quy chế phối hợp mang tính đồng bộ và lâu dài. 
 
Trước thực trạng đó, để quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tốt hơn, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và chính quyền cấp huyện có vùng giáp ranh rừng giữa 2 huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên khu vực rừng hai đơn vị được giao quản lý.
 
Việc ký kết quy chế phối hợp là cơ sở cho việc thống nhất hành động toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng hai bên để ngăn chặn kịp thời, có hiệu lực, hiệu quả các vụ chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển, phá rừng làm nương rẫy và săn bắt động vật hoang dã trái phép trên khu vực rừng giáp ranh được giao cho hai đơn vị quản lý. Đồng thời, là cơ sở để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền người dân vùng giáp ranh các huyện chấp hành tốt quy định của Luật Lâm nghiệp, tham gia tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở vùng giáp ranh.
 
Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên sẽ tăng cường phối hợp, thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt, tại các khu vực rừng giáp ranh nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh các thông tin liên quan đến đối tượng vi phạm, hai bên chủ động liên lạc, cung cấp các nguồn thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được cho bên đang thụ lý hồ sơ để phục vụ quá trình xác minh, giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, tránh bỏ lọt vi phạm, bỏ lọt tội phạm và đúng theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chống phá rừng mỗi tỉnh được quyền truy đuổi, bắt giữ đối tượng bỏ chạy về phía địa bàn lân cận.
 
Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, kịp thời, bí mật, an toàn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình phối hợp; không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của các bên. Ngoài ra, hai đơn vị cũng sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động, các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn huyện; xây dựng quy chế bảo vệ rừng và phát triển rừng tại các cộng đồng nhận khoán.
 
HOÀNG SA