Đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc

10:10, 28/10/2022
(LĐ online) - Sở Y tế Lâm Đồng đã có chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai một số hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), giảm thiếu tối đa các vụ ngộ độc và tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
 
Theo đánh giá chung của Sở Y tế, mối nguy mất ATTP hiện nay tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (gọi tắt là cơ sở) trên địa bàn toàn tỉnh là rất cao. Trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên ảnh hưởng đến các điều kiện đảm bảo ATTP tại cơ sở như: Điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị, điều kiện con người, nguyên liệu, phụ gia, nguồn nước sử dụng trong sản xuất, chế biến. 
 
Đặc biệt, về phía cơ quan quản lý nhà nước, công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra tại các cơ sở không được tiến hành thường xuyên do một số thời điểm phải tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội. Chính vì vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 229 người mắc, 2 người tử vong. Trong đó, xảy ra tại Đà Lạt 1 vụ, 146 người mắc và tại huyện Lạc Dương 2 vụ với 83 người mắc, 2 người tử vong.
 
Sở Y tế chỉ đạo một số hoạt động cần tập trung triển khai trong thời gian tới, cụ thể: Hoạt động quản lý các cơ sở theo phân cấp: Thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp. Thống kê, quản lý hết các cơ sở trên địa bàn, đặc biệt tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố và các tổ chức, cá nhân cung cấp suất ăn từ thiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn. 
 
Cơ quan được phân cấp quản lý cơ sở có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy); tập huấn kiến thức về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức; kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, phối hợp giải quyết khi có sự cố đối với cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.
 
Phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, ngành giáo dục tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức của pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng thường xuyên, liên tục và đặc biệt tăng cường trong các đợt cao điểm của năm.
 
Để chủ động và có tính chuyên nghiệp cao trong điều tra xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm đạt kết quả nhanh hiệu quả, các đơn vị chủ động ban hành quyết định thành lập đội điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn (bao gồm: các tổ cấp cứu và phân tuyến điều trị; tổ lấy mẫu xét nghiệm; tổ điều tra người bệnh, điều tra cơ sở cung cấp thực phẩm, điều tra dịch tễ…); phân công nhiệm vụ và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ được phân công.  
 
Lãnh đạo UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn là người chủ trì trong việc chỉ đạo triển khai toàn diện các hoạt động xử lý, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm. Trường hợp cần thiết, huy động các đơn vị chức năng, đoàn thể xã hội, các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương và đơn vị y tế tuyến trên hỗ trợ triển khai khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm. Sau khi xác minh thông tin ngộ độc thực phẩm là đúng thì phải báo cáo nhanh chóng, kịp thời về số điện thoại đường dây nóng của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để được hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn. Tổ chức điều tra đúng, đủ các bước, đảm bảo các nguyên tắc chung về điều tra ngộ độc thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
 
Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 trên địa bàn, đảm bảo đúng, đủ các hoạt động và tiến độ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh.
 
Đảm bảo nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước về ATTP: Rà soát và trang bị thêm các trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu, test nhanh phục vụ cho công tác quản lý, kiểm nghiệm về ATTP. Tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách về ATTP (công tác quản lý nhà nước về ATTP, công tác lấy mẫu thực phẩm và mẫu bệnh phẩm…). Hạn chế tối đa việc luân chuyển cán bộ phụ trách lĩnh vực ATTP tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.
 
AN NHIÊN