Ở gian bếp Chờ Miêu

HỒNG THẮM 06:47, 16/01/2023

“Con tìm đến, không hẹn trước, vì con biết rằng ở nơi này có người đang chờ con...”, nữ MC Trác Thúy Miêu - một vị khách tìm đến quán ăn Chờ Miêu trong một chiều Đà Lạt vừa lập đông.

Cô Xuân Nam - chủ nhân gian bếp Chờ Miêu luôn nồng hậu đón những vị khách của mình
Cô Xuân Nam - chủ nhân gian bếp Chờ Miêu luôn nồng hậu đón những vị khách của mình

MC Trác Thúy Miêu như hàng trăm vị khách khác đã ghé đến bếp Chờ Miêu trong thời gian vừa qua. Trong số đó, có không ít người nổi tiếng, cũng có những vị khách lớn tuổi muốn tìm lại chút “hương vị” xưa của Đà Lạt hay những bạn trẻ từ Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Cũng có người tìm đến vì tò mò về quán ăn được các bạn trẻ đánh giá 5 sao trên google với nhận xét “quán ăn chẳng giống ai, không có thực đơn, muốn ăn món gì cô chủ sẽ tự tay nấu món đó”...

Bếp Chờ Miêu không có biển hiệu, nằm lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ trên con đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Gian bếp cũ kỹ, được các bạn kiến trúc sư trẻ thiết kế theo ý muốn của nữ chủ nhà - cô Vũ Thị Xuân Nam - một người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt - với một mục tiêu duy nhất: giản dị mà ấm cúng, để mỗi vị khách ghé thăm đều cảm nhận được không gian của gia đình và hương vị của tình thân.

Chờ Miêu giống như một dự án khởi nghiệp của cô Xuân Nam ở độ tuổi 60, nhưng người phụ nữ ấy không đặt nặng việc kinh doanh mà cho rằng giá trị lớn nhất mình nhận được chính là niềm vui. Chính vì thế, cô Xuân Nam luôn đón chờ những vị khách bằng một nụ cười hồn hậu, thi thoảng ngại ngùng vuốt mái tóc đã bạc 8, 9 phần của mình trước những lời khen. 

Có lẽ, điều đem đến cho bếp Chờ Miêu một sự thu hút nhất định không chỉ nằm ở những điều đặc biệt đó, mà còn ở việc mỗi món ăn được chăm chút bằng tình cảm để mang đến cho mọi người một hương vị ấm áp của tình thân chứ không đơn thuần chỉ là một bữa cơm mà người ta có thể ăn được ở bất cứ đâu.

Cả quán chỉ có mỗi một người - vừa lên thực đơn, vừa đi chợ, làm tất tần tật mọi công đoạn cho đến khi những món ăn nóng hổi được dọn lên bàn cho thực khách. Và để chuẩn bị cho mọi thứ được chu đáo, cô Xuân Nam cũng chỉ nhận một lượng khách vừa phải, đặt trước qua điện thoại với thực đơn theo yêu cầu.

“Công việc mỗi ngày của mình bắt đầu từ 4h sáng, sau đó là đi chợ, lựa những loại thực phẩm, rau, củ tươi nhất. Đa phần khách đến đây cũng không có yêu cầu gì đặc biệt, mà chỉ muốn thưởng thức một bữa cơm gia đình với các món dân dã, quen thuộc mà thôi”, cô Xuân Nam chia sẻ.

Mỗi lần nhận order của khách qua điện thoại, cô Xuân Nam cẩn thận ghi lại vào một tờ giấy nhớ, không quên hỏi thăm khẩu vị của khách. Những vị khách đến với Chờ Miêu đa phần cũng biết được cách thức hoạt động của quán, chẳng yêu cầu phải được phục vụ từ A đến Z như những hàng quán thông thường. Không ít người đến cũng “chiều” theo phong trách của chủ nhà và sẵn sàng xắn tay áo, vào bếp cùng tham gia vào chuẩn bị và chế biến bữa ăn.

Những món ăn sau khi nấu xong sẽ được dọn ra chiếc bàn gỗ ở trước hiên nhà, dưới giàn hoa giấy, bên hàng cây tùng xanh thơm. Suốt quá trình đó, đan xen là những câu chuyện về một Đà Lạt xưa cũ, hấp dẫn, từ khi chủ nhà là cô nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân hay đến khi đã trải qua hầu hết những truân chuyên của đời người, về những đặc trưng trong cuộc sống, sinh hoạt của một gia đình người Đà Lạt...

Chủ quán cũng là người sống và vui với những hoài niệm nên ở bếp Chờ Miêu, mọi thứ đều mộc mạc, gần gũi và bình yên. Có lẽ cũng vì những lẽ đó mà mỗi vị khách đến với một tâm thế nhẹ nhàng, không chút vội vã. Ở quán, tuy không quá tiện nghi, không có những thứ đồ dùng sang trọng, chỉ đơn giản là đôi ba thứ gốm mộc được lựa chọn tỉ mỉ, bàn ghế gỗ đơn sơ nhưng chính các món ăn ngon và không khí gia đình tại đây đã khiến nhiều người thích thú tìm đến.

“Món cô Xuân Nam nấu thì trên cả tuyệt vời, còn tiếng đàn piano của chú thì gieo thương nhớ mãi không thể quên”, Tuyết Dung, vị khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Đa phần những vị khách đến Chờ Miêu đều sẽ trở thành bạn của chủ nhà bởi thứ mà họ nhận được, không chỉ là bỏ tiền ra để có một bữa ăn, mà còn là sự quan tâm và sẻ chia.

Đà Lạt tháng Chạp, những cơn mưa phùn không dứt. Khoảng trời trong xanh giờ chỉ còn một màu trắng đục. Ấy vậy mà bếp Chờ Miêu vẫn rộn ràng tiếng nói cười, lách cách tiếng muỗng, đĩa va chạm cùng mùi khói nghi ngút hương thơm. Còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức một bữa ăn đạm bạc, chứa đựng sự ấm cúng trong một buổi chiều mơ ở gian bếp Chờ Miêu. Và được lắng nghe những câu chuyện về Đà Lạt, chuyện đời, chuyện người hay đơn giản là có người lắng nghe những câu chuyện của chính mình.