Sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế

TỨ ĐỨC 06:19, 20/02/2023

Những năm qua, nông dân huyện Đạ Huoai đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Từ đó, đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, những cách làm hay, sáng tạo để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.

Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông hộ phát triển kinh tế
Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông hộ phát triển kinh tế

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Đạ Huoai có 9 hội cơ sở, 56 chi hội, 5.692 hội viên. Các nguồn vốn được quản lý một cách chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, giúp hội viên có thêm nguồn lực để đầu tư kinh doanh, sản xuất, phát triển kinh tế. Hội Nông dân huyện đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập, quản lý 48 Tổ tiết kiệm và vay vốn/1.499 hộ dân với số tiền dư nợ trên 93 tỷ đồng. 

Đến thời điểm hiện tại, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn huyện Đạ Huoai đạt trên 3,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác là 1,2 tỷ đồng cho 40 hộ vay. Nguồn vốn này được sử dụng để đầu tư 2 dự án trồng sầu riêng tại xã Đoàn Kết (20 hộ) và xã Đạ Oai (20 hộ). Cuối năm 2022, đã thu hồi dự án tại xã Đoàn Kết và tiếp tục triển khai dự án trồng sầu riêng mới với nguồn vốn 600 triệu đồng với 15 hộ dân vay.

Nguồn vốn Hội Nông dân tỉnh ủy thác là 1,1 tỷ đồng, được sử dụng để đầu tư cho 30 hộ dân trồng sầu riêng tại các xã Hà Lâm, Phước Lộc và thị trấn Đạ M’ri. Nguồn vốn cấp huyện đạt hơn 1,6 tỷ đồng, thực hiện 5 dự án trồng sầu riêng, trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Mađaguôi, thị trấn Đạ M’ri xã Đạ Tồn, xã Mađaguôi, xã Đạ P’loa. 

Ông Hoàng Thanh Nam - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cho biết, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn khác đã giúp nông dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, đời sống được cải thiện rõ rệt. Việc vay vốn thực hiện các dự án đã tạo niềm tin cho cán bộ, hội viên và thu hút sự tham gia của đông đảo nông dân địa phương. 

Nguồn vốn vay đến với nông dân được chính quyền địa phương đánh giá cao, uy tín của Hội trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt, tạo động lực cho nông hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chính quyền, cấp ủy địa phương nơi nông dân thực hiện vay vốn triển khai các dự án, mô hình đã quan tâm, chỉ đạo Hội cơ sở hướng dẫn nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thực hiện nộp phí, gốc đúng quy định.

Từ các nguồn vốn và Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân huyện Đạ Huoai đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình từ nguồn vốn vay trồng sầu riêng có các nông dân: Đặng Thành Hiệp ở Thôn 1, xã Đoàn Kết có thu nhập hằng năm trên 1 tỷ đồng; Nguyễn Văn Tửng ở Tổ dân phố 12, thị trấn Mađaguôi đạt thu nhập trên 700 triệu đồng; Trần Công Cường ở Thôn 3, xã Hà Lâm có thu nhập trên 600 triệu đồng; bà Ka Nôel ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc thu nhập trên 300 triệu đồng…

Đến nay, toàn huyện Đạ Huoai đã có 9/10 dự án cho vay Quỹ Hỗ trợ nông dân thành lập được chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Có 234 thành viên thuộc chi hội, 48 thành viên thuộc 3 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trong đó, có 120 hộ nông dân được vay vốn với số tiền trên 3,9 tỷ đồng. 

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Đạ Huoai phối hợp cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Đạ Huoai ký kết văn bản thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trên địa bàn huyện. Thành lập được 8 tổ, hiện có 2 đơn vị xã Mađaguôi, xã Đạ Tồn có dư nợ hơn 7 tỷ đồng với 54 hộ vay.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Đạ Huoai đang tuyên truyền và triển khai vay vốn từ nguồn Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ tỉnh Lâm Đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Để nông dân địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, thời gian tới, Hội Nông dân huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng các dự án phát triển kinh tế phù hợp, tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội làm công tác ủy thác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn cho vay, bảo đảm đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh và sử dụng vốn vay.