Bài 2: Triển khai song song các giải pháp trước mắt và lâu dài

NGUYỄN NGHĨA - VÕ TRANG 03:44, 21/07/2023
Tin bài liên quan
• Bài 1: Chuyên gia Nhật Bản tham vấn gì sau chuyến khảo sát địa hình?

(LĐ online) - Tại buổi làm việc với các chuyên gia Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các chuyên gia. 

Quang cảnh buổi làm
Quang cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc lại sự kiện các chuyên gia của Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki Nhật Bản vào năm 2017 cũng đã từng khảo sát, tham vấn và giúp TP Đà Lạt khắc phục hiệu quả sự cố sạt trượt đất ở đầu đường Nguyễn Văn Trỗi và đánh giá cao kinh nghiệm của các kỹ sư của công ty. Hy vọng lần này, các chuyên gia cũng sẽ có tham vấn hỗ trợ tỉnh để có phương án, giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân. 

Trên cơ sở tham vẫn bước đầu này, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo để có thể tham vấn ý kiến toàn diện về vấn đề này, tiến tới có giải pháp khoa học, giải quyết dứt điểm vấn đề sạt trượt đất, quản lý xây dựng tốt hơn, đảm bảo an toàn ở vùng có nguy cơ xung yếu.

SẼ CÓ QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ CẤP PHÉP XÂY DỰNG Ở NHỮNG NƠI CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng, ý kiến của các chuyên gia sau buổi thực tế chính là những khuyến cáo ban đầu rất quan trọng trong việc chấn chỉnh về quản lý về xây dựng cũng như để thành phố, tỉnh có phương thức tổ chức khảo sát đầy đủ hơn các khía cạnh có thể ảnh hưởng đến sạt trượt đất. Đây là kinh nghiệm để tiến tới tìm kiếm giải pháp toàn diện trên địa bàn TP Đà Lạt và toàn tỉnh.

Các kỹ sư khảo sát địa hình khu vực Khe Sanh
Các kỹ sư khảo sát địa hình khu vực Khe Sanh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu rằng, sau những vụ việc xảy ra thời gian gần đây, tỉnh nhất định cũng sẽ đưa ra một quy định riêng, không chỉ là quy định về kiến trúc xây dựng, mà sẽ có quy định riêng quản lý việc cấp phép xây dựng ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở sau khi đã đo đạc, khảo sát từng vùng cụ thể. Hiện tại, giải pháp trước mắt là cũng đã tạm ngừng cho xây dựng ở những vị trí có nguy cơ sạt lở.

Ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc đánh giá sơ bộ về địa chất, hiện trạng xây dựng của các chuyên gia người Nhật vốn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này tương đối sát thực tế; các giải pháp đưa ra cũng có tính thuyết phục cao. Để đảm bảo tính khoa học và để làm sao thành phố vừa đảm bảo được hài hoà giữa phát triển kinh tế, lẫn bảo vệ môi trường, địa chất, thuỷ văn thì vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để có giải pháp cả cho trước mắt lẫn về lâu dài. 

Về giải pháp trước mắt, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần sớm cho chủ trương thực hiện xây bờ kè chắn đất phía dưới để tránh đất tiếp tục sạt trượt ở một số địa bàn đã xảy ra các vụ sạt lở.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết: Thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch; trong đó, có xây dựng bản đồ Atlat để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để cụ thể hơn đối với địa bàn Đà Lạt, theo đề xuất của các chuyên gia là lập bản đồ cảnh báo nguy cơ, phía Sở Xây dựng đồng tình rất cao vì có bản đồ này, sẽ xác định được các khu vực có nguy cơ sạt lở và chúng ta sẽ tổ chức quan trắc thường xuyên, có kết quả quan trắc khu vực nào có nguy cơ thì sẽ chủ động đối phó, từ đó giảm được thiệt hại cho người dân.

Hiện trạng khu vực sạt lở taluy ở Hoàng Hoa Thám hiện tại vẫn chưa thể khắc phục
Hiện trạng khu vực sạt lở taluy ở Hoàng Hoa Thám hiện tại vẫn chưa thể khắc phục

Đặc biệt, ông Sơn cũng nêu ý kiến tỉnh cần phải có khảo sát đánh giá khoa học hơn về các mạch nước ngầm trên địa bàn để có giải pháp trong việc tổ chức xây dựng các bờ kè, vì việc xây dựng bờ kè cũng dẫn đến việc làm thay đổi dòng chảy của các mạch nước ngầm, gây ảnh hướng đến địa chất, cũng dẫn đến những ảnh hướng lâu dài và ảnh hướng rất lớn đến tình trạng sạt trượt nguyên khối rất nguy hiểm. 

TỔ CHỨC HỘI THẢO THAM VẤN Ý KIẾN TOÀN DIỆN 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định rằng, về giải pháp lâu dài, tới đây, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo với sự tham dự của các kỹ sư, kiến trúc, giáo sư, chuyên gia đầu ngành để có thể tham vấn ý kiến toàn diện về vấn đề này, để tiến tới có giải pháp khoa học giải quyết dứt điểm vấn đề sạt trượt đất, quản lý xây dựng, đảm bảo an toàn ở vùng có nguy cơ xung yếu.

Việc có nên đặt thiết bị cảnh báo về sạt lở đất ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất hay không?, quy định về quản lý cấp phép, giám sát những công trình ở những khu vực có nguy cơ sạt lở nên tổ chức như thế nào cho phù hợp luật pháp Việt Nam, việc đầu tư công về thu gom nước, đầu tư hệ thống taluy để đảm bảo an toàn... đây là những vấn đề mà tỉnh sẽ đặt hàng để các đơn vị, các kỹ sư, nhà khoa học tham vấn để tìm kiếm giải pháp trong hội thảo tới.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc cảm ơn những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia người Nhật Bản và nhấn mạnh rằng, ý kiến tham vấn ban đầu này rất hữu ít và tỉnh rất trân trọng. Tỉnh sẽ tiếp thu và tới đây sẽ tổ chức hội thảo để tiếp cận vấn đề sạt trượt của toàn thành phố ở góc nhìn khoa học hơn, chuyên sâu hơn, để có giải pháp mang tính bền vững về địa chất, về quy hoạch xây dựng, về quản lý mạch nước ngầm...

Ông cũng đề nghị các chuyên gia tiếp tục quan tâm, hỗ trợ TP Đà Lạt nói riêng cũng như tỉnh Lâm Đồng nói chung trong việc khảo sát, thăm dò, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để tỉnh, thành phố tiến tới có giải pháp về mặt quản lý khoa học và bền vững.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cảm ơn đoàn công tác đã hỗ trợ, khảo sát và đưa ra một số khuyến cáo ban đầu đối với vấn đề sạt lở đất. Và bày tỏ, sau buổi làm việc này, các chuyên gia tiếp tục đưa thêm một số nội dung, tài liệu, giúp cho tỉnh hoàn thiện quy định quản lý ở khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn.