Bài 1: Chuyên gia Nhật Bản tham vấn gì sau chuyến khảo sát địa hình?

NGUYỄN NGHĨA - VÕ TRANG 09:34, 20/07/2023
Tin bài liên quan
• Bài 2: Triển khai song song các giải pháp trước mắt và lâu dài

(LĐ online) - Sau một ngày đi thực tế tại một số khu vực sạt lở và cả những khu vực có nguy cơ sạt lở đất ở TP Đà Lạt, sáng ngày 19/7, đoàn chuyên gia địa chất của Nhật đã có buổi làm việc để đánh giá và tham vấn biện pháp khắc phục và phòng ngừa sạt trượt đất với lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo TP Đà Lạt.

Dự buổi làm việc có ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt; lãnh đạo Sở Xây dựng và Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đặt một số câu hỏi trao đổi liên quan đến công tác thăm dò địa chất, lập bản đồ, quản lý xây dựng và đề nghị các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đặt một số câu hỏi trao đổi liên quan đến công tác thăm dò địa chất, lập bản đồ, quản lý xây dựng và đề nghị các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản

DO LƯỢNG NƯỚC QUÁ NHIỀU

Theo các chuyên gia Nhật Bản, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất ở tất cả các nơi đều là do lượng nước quá nhiều làm đất trên bề mặt chảy xuống hoặc là do nước ở dưới các bờ đất không thể thoát sẽ gây ra hiện tượng sạt lở.

Đối với vụ sạt lở nghiêm trọng ở đường hẻm Hoàng Hoa Thám (Phường 10, Đà Lạt), sau khi quan sát hình ảnh từ vệ tinh chụp lại từ 10 năm trước và đối chiếu với tình hình thực tế, các chuyên gia đưa ý kiến rằng, khu vực này có một bờ đê nhỏ từ năm 2015, sau đó thì đã được xây thêm bờ đê phụ bằng bê tông gần đây. Bờ đê cũ hiện nay vẫn còn, không xảy ra vấn đề gì khi vụ sạt lở xảy ra, mà chỉ có bờ đê mới xây dựng bằng bê tông bị sập.

Các khu vực khác của thành phố, các vụ sạt lở cũng chủ yếu do đất từ trên cao đổ xuống. Điều này cho thấy, việc bồi đắp đất ở đây cần phải được quản lý và tính toán.

Chuyên gia Nhật Bản trình bày ý kiến tham vấn
Chuyên gia Nhật Bản trình bày ý kiến tham vấn

KINH NGHIỆM TỪ NHẬT BẢN

Tại buổi làm việc, các chuyên gia Nhật cũng giới thiệu một số ví dụ điển hình về sạt lở đất xảy ra gần đây ở Nhật để chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt có thể tham khảo về quy chế cho việc quản lý và đặc biệt là việc đắp đổ đất bồi ở những khu vực trên cao.

Đó là vụ sạt lở đất từ phía trên cao rất nghiêm trọng xảy ra tại Nhật năm 2021. Đất ở vùng núi trên cao bị sạt xuống vùng hạ lưu phía dưới có dân cư sinh sống. Vụ sạt lở xảy ra đã ảnh hưởng rất nhiều về người và về của ở dưới hạ lưu. Các chuyên gia Nhật đã so sánh hình ảnh từ vệ tinh ở vùng này theo các năm. Năm 2011, phía trên đồi là một vùng đất trống, sau đó đến năm 2017 – 2020 thì bắt đầu đắp đất bồi đổ lên. Năm 2021, bắt đầu có sạt lở trên vùng đất bồi này.

Và vụ sạt lở ghi nhận bắt đầu xuất phát từ đỉnh núi và dòng đất bồi chảy xuống vùng dân cư hạ lưu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát đắp đất bồi. Chính phủ Nhật cũng đã tổ chức hội thảo để tìm ra các nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Chính từ vụ việc này, Chính phủ Nhật Bản đã phải đưa ra quy chế về việc đắp đất bồi.

Chuyên gia Nhật Bản tìm hiểu thực tế tại khu vực sạt lở trên đường Hoàng Hoa Thám
Chuyên gia Nhật Bản tìm hiểu thực tế tại khu vực sạt lở trên đường Hoàng Hoa Thám

Các chuyên gia Nhật cho biết, việc quản lý trong việc cấp phép cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quản lý giám sát các công trình đắp đất bồi này bắt đầu trở thành Luật vào năm 2023 ở Nhật. Quy chế này nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân từ những vụ sạt lở đất. Ở Nhật cũng có quy hoạch và phân chia cảnh báo từng khu vực theo màu sắc trên các biểu đồ, đánh dấu khu nào chịu sự ảnh hưởng nếu xảy ra sạt lở đất, vùng đất nào có nguy cơ sẽ xảy ra sạt lở để quản lý.

Các chuyên gia cũng cho biết, ở Nhật, công việc của chính quyền địa phương là thiết lập ra tiêu chuẩn an toàn trong việc phòng chống thiệt hại do sạt lở đất: Thiết lập các bờ đê, bờ đá để có thể ngăn chặn các vụ sạt lở đất; thiết lập các thiết bị, hệ thống để thoát nước…

Ở những vùng đồi thấp cũng phải đảm bảo tính an toàn. Công việc giám sát an toàn trong quá trình thi công cũng như hoàn tất công trình cũng phải diễn ra bởi chính quyền địa phương và các đơn vị thi công. Trong quá trình thi công, phải đảm bảo hệ thống thoát nước được hoạt động tốt và chỉ khi hoạt động tốt rồi mới được tiến hành xây dựng.

Khi kết thúc công trình, phải kiểm tra tất cả khía cạnh liên quan có đảm bảo không. Nếu không đảm bảo thì có chế tài quy định phạt tù và cả phạt tiền. Đạo luật này nhằm đảm bảo cho các đơn vị thi công cũng như chính quyền phải thực hiện triệt để nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng dân sống ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trình tự trong xây dựng cũng như đắp đất ở một số nơi trên cao cũng có quy định. Sau khi kiểm tra, rà soát xem vùng đó có khả năng sạt lở đất hay không thông qua bản đồ, nhà quản lý khảo sát hiện trường, xác nhận hiện trạng, để có giải pháp kịp thời. Cơ quan chức năng tiến hành khoan đất để kiểm tra địa hình và tiến hành lắp đặt những thiết bị để làm giảm nguy cơ sạt lở đất. Công tác quan sát hiện trường các nơi có nguy cơ sạt lở là cấp thiết và diễn ra thường xuyên, định kỳ để kịp thời ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.

Hiện trường khu vực sạt lở trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, Đà Lạt
Hiện trường khu vực sạt lở trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, Đà Lạt

NÊN THIẾT LẬP CÁC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ CHI TIẾT CÁC VÙNG CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ ĐẤT

Theo các chuyên gia, hầu hết các vụ sạt lở ở Đà Lạt đều do đất chảy từ trên cao xuống. Ở khu vực đường Hoàng Hoa Thám, nhìn bề ngang, có khả năng còn xảy ra sạt lở một số điểm nữa và khu vực đó khá là nguy hiểm, đe doạ khu dân cư đang sống ở phía dưới.

Nguyên nhân là do khu vực này vẫn đang bị chảy đất xuống, vì vậy, chỉ cần tác động nhỏ thôi thì vùng đất sẽ bị sạt nhiều hơn và mở rộng hơn. Các chuyên gia khuyến cáo, cần phải đo đạc và xác định bề rộng khu đất phía trên, khối lượng đất đã đắp bồi để có thể đối ứng khi có sự việc xảy ra. Sau khi đo đạc và xác định, cần xử lý những phần đất đó đi, để tránh tình trạng sạt lở tiếp theo, vì nó vẫn có thể sẽ gây ra những thiệt hại lớn hơn.

Đối với phần đất phía dưới khu vực sạt lở này, cần làm bờ chắn vững chắc để chắn đất bề mặt vẫn đang tiếp tục chảy xuống và phải thiết lập các rãnh nước để thoát nước trên bề mặt của khu vực đó.

Một số nơi khác như khu vực Khe Sanh, Đặng Thái Thân, ghi nhận một số nơi đất vẫn đang có nguy cơ sạt lở, một số nhà đã hơi bị nghiêng. Phía trên các ngôi nhà ở khu vực này có đường đi, nên cần làm rãnh thoát nước để tránh chảy vào khu vực.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, do địa hình của Đà Lạt từ xưa đã có nhiều núi, đồi. Hầu hết các khu vực dân cư sinh sống có vùng đất cao và cần bồi đắp và việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro xảy ra tai nạn. Vì vậy, nên tổ chức đo đạc thiết lập các sơ đồ, bản đồ chi tiết để có thể phát hiện kịp thời các vùng có thể xảy ra sạt lở đất. Có thể sử dụng hình ảnh từ vệ tinh hoặc đến trực tiếp để kiểm tra, đo đạc. Nên thiết lập những quy chế cho những khu vực nào có thể đắp đất để xây dựng. Đối với những khu vực đắp đất, cần phải kiểm tra toàn bộ tính an toàn của toàn bộ khu vực này. Đối với những trường hợp cần thiết thì phải có biện pháp đối phó, thiết lập các hệ thống cảnh báo nhanh chóng để mọi người biết để đối ứng.

Khi kiểm tra hiện trường để xác định xây dựng, cần phải tiến hành khảo sát chi tiết, khoan đất để phân tích tính an toàn của những công trình thi công, phải đưa ra thảo luận, đề án đối ứng an toàn. Vấn đề quan trọng nhất, là đối với những khu vực đã bồi đắp đất phải tiến hành kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn, kịp thời có giải pháp theo thời gian.